“Rượu ta nấu chúng cho rượu lậu”...

Thứ bảy, ngày 28/12/2013 18:09 PM (GMT+7)
Trong bài ca tố cáo thực dân Pháp, cụ Phan Bội Châu có câu: “Rượu ta nấu chúng cho rượu lậu/Muối ta làm chúng bảo muối gian”.
Bình luận 0
Tuyên ngôn Độc lập (1945) cũng hùng hồn lên án “rượu thực dân”: “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.

Hiểu câu đó theo nghĩa thực dân luôn muốn cấm đoán dân ta nấu rượu (chủ yếu để lấy bỗng chăn nuôi) và tự do làm muối. Chúng có chính sách ấy để ưu tiên độc quyền cho các ty muối, ty rượu và những hãng rượu tư nhân lớn mà quan chức có nhiều cổ phần như Nam Đồng Ích, Rồng Xanh... có rượu bán khắp Trung -Nam- Bắc. Rượu dân gian cũng có những tên tuổi nổi tiếng như rượu Phú Lộc, Gò Đen, Làng Vân, San Lùng (của người H’Mông)... nhưng thời đó chưa có bảo hộ thương hiệu sản phẩm nên rất dễ mất độc quyền và làm giả.

Sở dĩ Tuyên ngôn Độc lập lên án “rượu cồn” vì sản phẩm những hãng rượu lớn sản xuất theo quy trình công nghiệp nên có dùng cồn thực phẩm, có hãng dùng gạo như Nam Đồng Ích mà nhà máy chính đặt ở Thanh Hóa. Chắc họ không dùng cồn công nghiệp như mấy người sản xuất “Rượu nếp 29 Hà Nội” ngày nay làm chết người. Nhưng cồn thực phẩm thường sản xuất từ bã mía, sắn mì, ngô nên không ngon cũng không lành bằng sản xuất trực tiếp từ gạo theo phương pháp cổ truyền của dân ta.

Rượu “lậu” của dân ít độc vì do nông dân nấu chủ yếu để lấy bỗng nuôi lợn, lời ở lợn còn rượu thì lỗ. Dụng cụ nấu cũng “sạch”, gồm nồi đất, ống tre, quả bầu để ngưng hơi. Không phải bằng nhôm, đồng hay cao su là thứ rượu có thể hòa tan, bào mòn, rất độc hại như tuyệt đa số người nấu rượu ngày nay vẫn dùng vô tư.

Cụ Phan lên án thực dân cấm dân để bán rượu của mình, Tuyên ngôn Độc lập lên án dùng “rượu cồn” (rượu không tốt) để làm nòi giống suy nhược. Cả hai sự lên án ấy đều đúng.

Nhưng còn một điều ít ai chú ý và thừa nhận. Đó là thực dân Pháp quản lý rượu rất chặt chẽ. Vì mục đích “cạnh tranh không lành mạnh” như phân tích ở trên đồng thời cũng để đồng hóa luật giữa thuộc địa, bảo hộ bản xứ với chính quốc. Cho nên nấu rượu không được phép là tội rất nặng có thể bị tù mọt gông. Thù ai chỉ cần quẳng vào nhà họ một vò rượu lậu là chủ nhân khuynh gia bại sản. Cái chặt chẽ nghiêm khắc ấy cũng hạn chế được rất nhiều tệ uống rượu. Dù uống bất cứ loại rượu nào, nếu không kiềm chế mà đổ nghiện thì cũng tan nát đời trai và làm “nòi giống suy nhược” cả.

Ngày nay tình hình uống rượu tệ hơn cả thời Pháp thuộc rất nhiều. Nhiều người trở thành đồ đệ của Lưu Linh, năm vừa qua cả nước uống hết 3 tỷ lít bia, còn rượu các loại thì không thể thống kê nổi. Người chết vì rượu cũng nhiều, người đổ bệnh, say rồi gây tai nạn giao thông, đánh đập tàn bạo vợ con, siêng nhậu nhác làm, tán gia bại sản cũng lắm. Ấy là vì Nhà nước ta không có chính sách quản lý rượu. Chẳng những không quản lý được “rượu lậu” trong dân mà cả rượu do những hãng lớn sản xuất cũng chào thua, điển hình đáng lên án là vụ “Rượu nếp 29 Hà Nội” vừa mới phát hiện.

Nguyễn Quang Thân (Nguyễn Quang Thân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem