Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (PIEF) lần thứ 14 từ 17 – 19/6, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, về việc xây dựng một đồng tiền dự trữ mới của thế giới, “nếu là 3 hay 5 năm trước, điều này rõ ràng là không thể được, nhưng hôm nay chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề này”.
Tổng thống Medvedev từng nhiều lần chỉ ra rằng, thị trường toàn cầu cần có một đồng tiền siêu quốc gia đủ năng lực đối trọng với USD. Theo ông, thế giới có thể phải cần tới 6 loại tiền dự trữ. Ông cho biết sẽ đưa thủ đô Moscow của Nga trở thành một trung tâm tài chính, nhằm hỗ trợ cho đồng Rúp trở thành một đồng tiền dự trữ.
Theo tờ Liên hợp Tảo báo, những tuyên bố trên của ông Medvedev đã cho thấy, sau khủng hoảng tài chính, nước Nga đang muốn khôi phục lại tiếng nói của họ trên toàn cầu. Năm 2009, GDP của nước này đã bị thu hẹp xuống 7,9%, mức thấp nhất kể từ sau khi Liên Xô cũ tan vỡ năm 1991.
Ông Medvedev cho rằng, nếu thế giới hoàn toàn dựa vào đồng đôla của Mỹ, thì tình hình phát triển của toàn cầu sẽ càng khó khăn hơn. Theo tiết lộ của Bộ Tài chính Mỹ, tháng 4/2010 là tháng thứ 5 liên tiếp nước Nga bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel, Stanley Fischer, khi trả lời phỏng vấn đã cho hay, một quốc gia nếu muốn thay đổi trật tự kinh tế thế giới, bao gồm số lượng tiền dự trữ, cần phải trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Theo ông Fischer, tiền tệ của một quốc gia muốn trở thành đồng tiền dự trữ, cần phải có một thị trường vốn có thể mua bán tiền tệ dễ dàng. Đồng tiền dự trữ mới không phải được sinh ra theo pháp lệnh, mà được hình thành do sự thay đổi của quốc gia.
Chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn Goldman Sachs, Jim O’Neill cho rằng, tới năm 2015, đồng Rúp của Nga có thể tham gia vào phạm vi định giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gia nhập rổ tiền tính giá trị Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
SDR là một loại tiền tệ do IMF tạo ra năm 1969, đóng vai trò là một bộ phận trong dự trữ quốc tế của các nước thành viên. SDR được phân bổ cho các thành viên theo tỷ lệ góp vốn của các nước vào IMF. Giá trị của SDR được tính dựa trên rổ các loại tiền tệ mạnh, gồm USD, Euro, Yên Nhật...
Trước đó, năm 2001, ông O’Neil đã dự báo, đến năm 2020, thực lực kinh tế của 4 nước BRIC, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ không hề thua kém Mỹ. Ngoài ra, theo ông, đồng Rúp muốn trở thành đồng tiền dự trữ, trước tiên cần mở cửa tự do trao đổi.
Theo Vneconomy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.