Samsung Vina - điểm sáng FDI

Nguyễn Thu Tuyết Thứ hai, ngày 04/05/2015 09:00 AM (GMT+7)
Sau gần 30 năm mở cửa đối với đầu tư nước ngoài (FDI) kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987), Việt Nam đã có những thành công đáng kể trong việc thu hút FDI.
Bình luận 0

 Theo đó, khu vực FDI (đầu tư nước ngoài) đã có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế nước nhà. Nguồn vốn FDI luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng đầu tư xã hội với khoảng 25% đã giúp hỗ trợ đắc lực cho công cuộc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI có đóng góp rất lớn trong sự tăng trưởng xuất khẩu với tỷ trọng gần 70% tổng xuất khẩu. Riêng dự án FDI của Samsung tại Việt Nam trong năm 2014 đã xuất khẩu hơn 26 tỷ USD, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người lao động… Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đạo – Phó Tổng giám đốc SAVINA -  là người đã có hơn 20 năm gắn bó với Samsung, ngay từ những ngày đầu.

img

Ông Nguyễn Văn Đạo – Phó Tổng giám đốc SAVINA 

Đường đến thành công

*Ông có thể tóm tắt đôi nét về “hành trình” Samsung khi đến với Việt Nam?

-Ông Nguyễn Văn Đạo: Năm 1995, ngay khi đặt chân vào Việt Nam, Samsung đã tự đặt mục tiêu cho mình là dẫn đầu thị trường cả về thị phần, doanh số lẫn đẳng cấp thương hiệu. Nhưng vào thời điểm đó, hàng điện tử của các thương hiệu Nhật Bản đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, việc thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của mình là một thách thức đầu tiên mà Samsung Vina phải vượt qua. Càng khó hơn khi bấy giờ trong mắt người tiêu dùng Việt Nam, sản phẩm Nhật Bản mới là số một về chất lượng còn sản phẩm của Hàn Quốc chủ yếu chỉ dành cho người có thu nhập thấp, trong khi Samsung không chấp nhận tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách bán sản phẩm với giá thấp hơn sản phẩm của Nhật Bản. Ba năm đầu là một giai đoạn rất khó khăn với công ty. Vấn đề về chất lượng tự công ty có thể giải quyết thông qua các giải pháp công nghệ kỹ thuật và quản lý, nhưng làm sao để cho người tiêu dùng tin và chấp nhận sản phẩm thì không đơn giản. Khi đó, chúng tôi đã thỏa luận và quyết định đề nghị công ty mẹ ở Hàn Quốc không đưa vào VN những sản phẩm cũ, dù giá rẻ, mà chỉ chuyển giao những mẫu mới nhất và phù hợp với thị hiếu người VN. Trong khi đó, để cạnh tranh về giá, nhiều công ty chỉ đưa vào VN những mẫu sản phẩm đã tung ra ở Thái Lan, Malaysia trước đó 3,4 năm. Những đề xuất này đã giúp Samsung Vina luôn có những sản phẩm mới được thiết kế đẹp, tích hợp những công nghệ và tính năng mới để giới thiệu trên thị trường, nhờ đó mà thu hút được sự tin cậy của khách hàng.

img

*Ông có thể cho biết một vài minh chứng cụ thể hơn?

-Quá trình phát triển của Samsung tại VN tương đương với tốc độ đổi mới công nghệ, sản phẩm và sáng tạo của công ty. Năm 1996, Samsung Vina (liên doanh với Công ty Cổ phần TIE) đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 36,5 triệu USD, chuyên sản xuất và kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng với sản phẩm đầu tiên là TV màu CRT. Chỉ 3 năm sau, nhà máy đã nâng năng suất sản xuất lên 5 lần so với thời điểm thành lập. Sự phát triển này diễn ra song song với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Khi kỷ niệm 10 năm thành lập, công ty đã đạt sản lượng 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm, doanh số khoảng 330 triệu USD và chiếm vị trí vững chắc trên thị trường, dẫn đầu về TV, màn hình máy tính LCD, ổ đĩa cứng và vững vàng ở ngôi vị số 2 về điện thoại di động.

Năm 2001, Samsung Vina tiên phong sản xuất màn hình máy tính LCD. Với lợi thế đi trước, màn hình máy tính LCD Samsung nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và suốt những năm qua được PC World bình chọn là “Sản phẩm CNTT-TT được ưa chuộng nhất”. Năm 2006, Samsung Vina ra mắt dòng TV LCD Bordeaux với thiết kế đột phá, mô phỏng hình dáng ly rượu vang và cũng từ đây một kỷ nguyên mới của dòng TV tại gia lịch lãm và siêu mỏng đã bắt đầu. Nhiều cái “đầu tiên” mang tên Samsung đã mở màn cho những trào lưu công nghệ mới, tiêu biểu như: TV LED, TV 3D và đầu đĩa Blu-ray 3D, TV thông minh (SmartTV)… Đầu năm nay, Samsung Vina cũng là công ty đầu tiên giới thiệu khái niệm “Một cuộc sống thông minh hơn” và mở ra trào lưu sản phẩm công nghệ số thông minh và nhân văn. Trong những thiết kế sản phẩm của Samsung, cảm nhận của người sử dụng được đặt lên hàng đầu với khả năng “tương tác” rất gần gũi và thân thiện với người dùng.

img

Sức mạnh thương hiệu và nguồn nhân lực

*Theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất góp phần vào sự thành công của Samsung tại Việt Nam?

- Theo tôi, đó chính là đội ngũ nhân viên đã nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu ngay từ những ngày đầu khi bước chân vào thị trường. Tôi còn nhớ những năm 1998 – 1999, bản thân tôi dù là Phó Tổng giám đốc vẫn ngồi trên xe rong ruổi đến thăm từng đại lý trên khắp mọi miền, thường xuyên mỗi tháng như vậy.  Đội ngũ nhân viên nhiệt tình đã tạo nên sự gắn bó thân tình, từ đó gây được sự tin tưởng của đại lý và cả người tiêu dùng. Có những đợt tổ chức triển lãm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm ở những địa phương xa xôi, tôi cùng các anh em không phân biệt chức vụ, bộ phận đều không ngần ngại lăn xả vào bưng bê, lắp đặt máy móc… Hiện nay Samsung đã có nhiều sản phẩm đa dạng hơn, ứng dụng công nghệ mới nhất, thiết kế trang nhã, lịch sự và quan trọng hơn cả là thương hiệu đã được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng và ưa chuộng, một phần cũng từ những công sức của lớp người đi tiên phong đó.

Nhiều người có suy nghĩ là những công ty Hàn Quốc hay thay đổi nhân sự, nhưng thật ra với những tập đoàn lớn như Samsung, việc toàn cầu hóa đã được thực hiện từ lâu, do đó môi trường làm việc cũng như cách tổ chức đã được vận hành theo mô hình chuẩn hóa của quốc tế.  Ở Samsung, luôn có những con người khao khát chinh phục đỉnh cao bằng công nghệ mới và công ty tạo mọi cơ hội thuận lợi để mọi người thể hiện năng lực tối đa của mình.

*Thế còn vấn đề thương hiệu thì sao, thưa ông? Nhiều ý kiến cho rằng, Samsung thành công là do đầu tư rất lớn cho công tác marketting, ông đánh giá về điều này như thế nào?

-Xây dựng một thương hiệu không phải là chuyện giản đơn.  Nếu nghĩ rằng chỉ cần chi phí cho PR nhiều, quảng cáo nhiều để đánh bóng thương hiệu là có được một thương hiệu mạnh là một sai lầm ấu trĩ. Điều cơ bản nhất mà một công ty cần phải có là sản phẩm với chất lượng tốt, dịch vụ tốt, từ đó hãy nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu. Hiện Samsung đi theo chiến lược phát triển những sản phẩm với công nghệ mới nhất, cùng với thiết kế trang nhã và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt.  Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, với những sản phẩm thông minh đa dạng và đa kết nối của Samsung hiện nay, phần nội dung đi kèm sản phẩm cũng được Samsung chú trọng không kém, để có thể tạo thành một “hệ sinh thái” với những lợi ích cao nhất cho khách hàng của mình.  Samsung hiện là thương hiệu dẫn đầu về phát triển nội dung cho các sản phẩm như smart tivi, điện thoại smartphone theo hướng địa phương hóa. Đây là một dịch vụ gia tăng chăm sóc khách hàng bên cạnh chiến lược sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp mà không phải bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể làm được.

*Kế hoạch sắp tới của Samsung tại Việt Nam có gì mới, thưa ông?

Dự án Samsung Vina có thể coi là dự án đầu tư thuộc làn sóng đầu tư thứ nhất của Samsung, có mô hình (tại thời điểm đó) là liên doanh, và thị trường chính là thị trường trong nước với một phần nhỏ phục vụ xuất khẩu. Sau 12 năm hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, Samsung đã có một quyết định quan trọng khi khởi đầu cho đợt sóng đầu tư lần thứ hai vào năm 2008, với dự án khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh. Sở dĩ gọi đây là đợt sóng đầu tư lần thứ hai, vì tại thời điểm này yêu cầu thành lập liên doanh không cỏn nữa, và đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này mang tính đầu tư có chiều sâu, với quy mô lớn hơn rất nhiều và chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu.  Dự án SEV có tổng vốn đầu tư hiện tại là 2,5 tỷ USD, chuyên sản xuất các thiết bị di động, đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2009. Sau 4 năm hoạt động, dựa trên sự thành công của SEV, Samsung đã tiếp tục đầu tư dự án khu phức hợp Samsung Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn đầu tư lên tới 5 tỷ USD, cũng chuyên sản xuất các thiết bị di động. Những sản phẩm mới nhất của Samsung như Galaxy Tab S, Galaxy Note 4 hay Galaxy S6 của Samsung đều được sản xuất tại hai khu phức hợp này. Với việc triển khai đầu tư quy mô lớn tại hai khu phức hợp trên, Samsung đang góp phần ghi tên Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trên bản đồ công nghệ thế giới. Không ngừng ở đó, tháng 10 năm 2014, nhân dịp Chủ Tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân thăm hữu nghị Hàn Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu CNC TP HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Samsung, khởi đầu cho một dự án mới tại TP HCM, được coi như dự án tiếp nối của Samsung Vina. Điểm khác biệt của dự án này, có tên là SEHC (Samsung Electronics HCM CE Complex) cũng như các dự án thuộc làn sóng thứ hai, là quy mô lớn (tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD) và hướng đến thị trường xuất khẩu. Dự án này đã bắt đầu được khởi công trong Quý 1 2015 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong Quý 2 năm 2016. Samsung đã thực sự xem Việt Nam là đối tác chiến lược với những dự án đầu tư trải rộng từ Nam chí Bắc, là cứ điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn với quy mô lớn hướng đến xuất khẩu, đưa những sản phẩm mang nhãn mác “Made in Việt Nam” ra có mặt rộng khắp trên thị trường thế giới, góp phần trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem