Sân bóng bị bỏ hoang vì binh đoàn ma khóc lóc

Thứ ba, ngày 17/12/2013 08:38 AM (GMT+7)
Các cụ cao niên trong vùng tin rằng tiếng khóc trong sân là của các oan hồn chiến binh tử trận đang sống vất vưởng nơi đất khách quê người.
Bình luận 0
Tại huyện Cách Nhĩ Mộc, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), người dân thường rùng mình mỗi khi nghe tới sân bóng Lâm Khốc. Thật ra, sân này không phải tên là Lâm Khốc nhưng người dân lại gọi nó như vậy vì theo tiếng Hán, Lâm Khốc là rừng khóc. Sở dĩ người dân Cách Nhĩ Mộc sợ sân Lâm Khốc là do những lời đồn ma ám. Lời đồn dù rất phi lý nhưng người dân với tâm lý có kiêng có lành chẳng dám bén mảng đến sân. Thế nên cả một công trình phải chịu cảnh hoang hóa, cỏ mọc um tùm và càng trở nên thê lương đáng sợ.

Ma khóc trong sân

Sân Lâm Khốc được xây dựng từ hồi thập niên 1950 ngay cạnh một cánh rừng. Ngay từ khi xây sân thì người ta đã gặp một số hiện tượng lạ khó cắt nghĩa. Rất nhiều máy ủi máy xúc khi đến đây đều bị chết máy không thể hoạt động nổi. Cả ô tô chở đất đá khi đến bụi cây bìa rừng đều bị lực đẩy vô hình nào đó làm xe bị lùi xuống.

Sân bóng Lâm Khốc hoang phế
Sân bóng Lâm Khốc hoang phế

Chỉ đến khi ban chỉ huy quân sự huyện nhờ một sư đoàn gần đó dùng xe tăng mới húc đổ được hàng cây bụi để giải phóng mặt bằng. Lạ ở chỗ từ khi xe tăng về chạy thì các máy móc hoạt động bình thường. Nhưng hễ xe tăng đi là y rằng những chuyện khó tin kia xảy ra mà không thể lý giải nổi. Về sau, ban chỉ huy công trường phải nhờ luôn sư đoàn ở đó cho “mượn” xe tăng, tức là lái xe tăng vòng vòng quanh công trường để đảm bảo việc thi công suôn sẻ. Nhờ sự xuất hiện của xe tăng, mọi việc cuối cùng cũng suôn sẻ.

Ngày khánh thành sân, không có chuyện gì xảy ra. Ban đầu, sân Lâm Khốc là nơi mà người dân tổ chức các hoạt động thể thao phong phú và đặc biệt đông mỗi khi đội bóng đá Cách Nhĩ Mộc gặp đội láng giềng Đức Linh Cáp. Nhưng khoảng 3 năm sau, những chuyện lạ xuất hiện ở sân Lâm Khốc ngày càng nhiều. Ban đầu, có nhiều cầu thủ các đội đến đây thi đấu bị chóng mặt, hoa mắt dẫn đến tức ngực, khó thở và cả ngất xỉu. Người ta cũng chỉ nghĩ là do thi đấu dưới điều kiện nắng nóng và phải hoạt động với cường độ cao nên các cầu thủ dễ trúng nắng, mất nước. Nhưng về sau, cả khán giả đến sân xem với ô che mát cũng gặp những hiện tượng như người ở dưới sân.

Nhưng chuyện người váng đầu khi đến sân chưa đáng sợ bằng những tin đồn ma ám lúc nửa đêm. Có nhiều người khẳng định khi họ đi gần sân bóng thì nghe tiếng khóc gào rất lớn phát ra từ trong sân. Những đêm mưa phùn thì tiếng khóc nỉ non hòa quyện với tiếng gió rít qua hàng thông càng tạo ra âm thanh đáng sợ.

Nhiều nhà kể rằng những hôm bình thường thì chó nhà họ nuôi thường sủa ầm ĩ mỗi khi có tiếng động. Ấy vậy mà khi nghe tiếng khóc nỉ non phát ra trong sân bóng thì chúng cúp đuôi chui vào hết gầm giường như vừa trông thấy một điều gì đó rất đáng sợ vậy. Từ đó, không ai bảo ai, tất cả tin rằng trong sân bóng có ma và tiếng khóc ma mị đó chính là của người bên kia thế giới. Do vậy, cứ đến tối khi mặt trời xuống núi là các nhà đóng cửa tắt đèn không dám thò đầu ra ngoài đường và tuyệt đối không lai vãng đến gần sân bóng lúc tối tăm.

Khi người dân phản ánh với chính quyền địa phương về chuyện sân bóng có ma thì cũng có đoàn chuyên gia được cử xuống. Họ đi một vòng sân rồi kết luận âm thanh ma quái như tiếng khóc phát ra từ sân bóng chỉ là do tiếng gió cộng hưởng khi thổi vào khán đài thôi và khuyên người dân yên tâm. Thế nhưng thực tế là chẳng cần những đêm mưa gió mà ngay cả những hôm trời trong gió lặng thì tiếng khóc trong sân vẫn cất lên.

Sau đó, vị trưởng thôn đánh bạo, huy động thanh niên trai tráng trong vùng, những người gan dạ nhất lập thành đội điều tra sân bóng. Họ chọn đúng đêm trăng sáng rồi cầm đèn đuốc sáng rực và súng săn để bước vào sân bóng kiểm tra xem kẻ nào bày trò ma quỷ. Hơn 20 người đã bước vào sân bóng kiểm tra kỹ càng trong hai giờ đồng hồ nhưng không phát hiện được dấu hiệu gì lạ. Nhưng khi họ vừa rời sân được hơn trăm mét thì lại nghe tiếng khóc nỉ non.

Lại có chuyện một số trẻ con giữa trưa trốn nhà ra sân bóng chơi thì bị ngã đến mức phải đi bó bột. Chúng kể rằng đang nô đùa thì tự nhiên bị ai đẩy ngã. Dù ngã chỉ ở độ cao khoảng nửa mét nhưng cũng bị bong gân trong khi ngày thường chúng ngã ở trên cây cao hơn mà cũng chẳng bị làm sao. Người dân vì thế càng tin là lũ trẻ bị ma đẩy.

Đoàn quân ma từ 300 năm trước

Các cụ cao niên trong vùng tin rằng tiếng khóc trong sân là của các oan hồn chiến binh tử trận đang sống vất vưởng nơi đất khách quê người. Theo sử sách ghi lại, vào năm Ung Chính thứ 3, Niên Canh Nghiêu đã truy sát quân Hòa Thạc Đặc tại Thanh Hải, chém vài vạn thủ cấp. Nơi xảy ra huyết chiến giữa quân đội hai bên chính là sân Lâm Khốc và có thể coi sân bóng là bãi tha ma của hàng ngàn, hàng vạn binh sĩ từ 300 năm trước.

Một số người tham gia xây dựng sân năm xưa cũng cho biết trong quá trình đào xới thì họ gặp không ít hài cốt và cả binh khí xưa bị hoen gỉ hết. Hồi đó, họ chỉ xử lý đơn giản là gom đi chôn chỗ khác chứ không nghĩ đến chuyện khai quật hết sân để gom hài cốt.

Các cụ cao niên còn cho biết hồi chưa xây dựng sân bóng thì hằng đêm còn nghe tiếng chặt cây, hành quân như là xây dựng doanh trại. Nhưng nhờ xây sân bóng nên các oan hồn tự nhiên được sẵn luôn một pháo đài và tiếng chặt cây biến mất. Dù vậy, vào những đêm mưa gió, các oan hồn vẫn nhớ quê và cất tiếng khóc sụt sùi. Họ còn nói mỗi ngọn cỏ trên sân có thể là nơi trú ngụ của các chiến binh xấu số.

Họ suy đoán, các hồn ma binh sĩ này coi sân bóng là thành trì của mình nên không muốn người sống xâm phạm nơi đây. Thế nên, khi người đến sân mới bị hiện tượng hoa mày chóng mặt và cả chuyện lũ trẻ bị ma đẩy nữa. Họ lý giải: “Ngay khi máy xúc đến đây thì các oan hồn đã chống lại cuộc xâm lăng này bằng cách làm máy hỏng… Chỉ khi quân đội mang xe tăng đến công trường thì binh đoàn ma mới chịu thua và bỏ đi nơi khác. Nhưng khi xe tăng quân đội rút đi thì binh đoàn ma lại quay về sân bóng để chiếm lại thành trì… Giờ muốn sân bóng bình thường thì lại phải mời xe tăng vào sân thôi”.

Tất nhiên, các đơn vị quân đội tại đó không rảnh để mang xe tăng vào sân cho binh đoàn ma bớt quấy rối. Họ cho rằng những lời đồn đó là vô căn cứ và do những kẻ vô công rỗi nghề bịa ra mà thôi. Nhưng những suy đoán có phần ngô nghê đó lại được người dân tin tưởng, một đồn mười, mười đồn trăm thành ra chẳng ai muốn phạm vào đất cấm đó.

Hồi thập niên 1980, đã có một đoàn khoa học gồm nhiều nhà vật lý giỏi của Trung Quốc đến sân Lâm Khốc tìm hiểu. Họ đã tiến hành đo đạc tỉ mỉ và thừa nhận sóng điện từ ở đây rất đặc biệt. Tuy vậy, họ cho rằng sóng điện từ bị nhiễu loạn không phải do hồn ma hay âm khí gì tạo ra mà do ở dưới có nhiều kim loại, có thể là do binh khí của các chiến binh ngày xưa bị chôn vùi dưới lòng đất.

Người dân địa phương hồi đầu còn sợ tiếng khóc lạ trong sân Lâm Khốc nhưng sau này, khi đèn điện đến từng nhà, tiếng loa tiếng đài đã khiến họ ít khi nghe thấy tiếng khóc ai oán nữa. Họ khẳng định các hồn ma này chẳng làm hại ai điều gì nếu không xâm phạm lãnh địa của họ. Huyện Cách Nhĩ Mộc ngày càng phát triển nhưng sân bóng Lâm Khốc vẫn quạnh hiu tiêu điều. Người dân coi đó là một phần của địa phương nên cũng chẳng nghĩ nhiều đến những lời đồn ám ảnh xưa cũ. ª

Hồ Khuê (Thế giới & Hội nhập) (Hồ Khuê (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem