Vở hài kịch Ngũ quý kỳ phùng - một trong những vở hài kịch thu hút đông khán giả dịp Tết Ất Mùi 2015.
Bươn chải với nghề
Trải qua bao nhiêu năm thăng trầm, khán giả yêu thích nghệ thuật hài miền Nam vẫn luôn nhớ đến một thời sân khấu hài TP hoạt động tưng bừng, rộn rã. Trên các sân khấu, kênh truyền hình, băng đĩa, các nghệ sĩ Thanh Hoài, Kim Ngọc, Quốc Hòa, Tùng Lâm, Bảo Quốc, Kiều Mai Lý, Thanh Nam, Hồng Vân, Thanh Bạch - Xuân Hương… bằng diễn xuất duyên dáng, phong cách trình diễn rất riêng, đã đem lại tiếng cười sảng khoái. Khi thời huy hoàng của sân khấu hài qua đi, hoạt động của các sân khấu hài co cụm dần, các nghệ sĩ hài cũng nhanh chóng chuyển sang hoạt động ở các lĩnh vực nghệ thuật khác để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật.
Hơn 10 năm qua, hầu hết các nghệ sĩ hài TP hoạt động với nghề vất vả. Các nghệ sĩ cả trong nước và hải ngoại (thường xuyên về Việt Nam biểu diễn) có thể sống thoải mái với nghề không nhiều. Ngoại trừ những tên tuổi đang “nóng” trên các sàn diễn, sân khấu, các kênh truyền hình như: Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Thúy Nga, Anh Vũ… thì nhiều nghệ sĩ khác vẫn phải vất vả mưu sinh bằng nhiều công việc: tự đứng ra làm “bầu” sân khấu, diễn kịch, đóng phim, chạy sô ở nước ngoài, buôn bán… để kiếm sống.
Nhóm hài của nghệ sĩ Thanh Tùng có 11 người, nhưng trong hơn 10 năm qua, giá cát sê của nhóm cứ lẹt đẹt ở con số 700.000 đồng/suất, tính ra, mỗi anh em diễn viên chỉ nhận được 50.000 - 60.000 đồng/suất, dù có nghệ sĩ đã gắn bó với nghề hơn 20 năm. Nghệ sĩ Thanh Tùng chia sẻ: “Không ít bầu sô o ép cát sê nghệ sĩ hài, khiến đời sống anh em gặp khó khăn. Các nhóm hài luôn phải tự tìm kiếm sô diễn, có nhiều tiết mục 3 - 4 người, diễn 15 phút nhưng chỉ nhận có 300.000 đồng.
Các nhóm hài nhỏ có sô, đến giờ diễn vẫn phải ngồi chầu chực, vì ông bầu thích thì cho diễn, không thì về. Cay đắng là thế nhưng anh em vẫn phải nhận diễn, vì được làm nghề là mừng rồi. Cũng vì “đồng lương” ít ỏi ấy khiến không ít anh em lười chăm chút, trau chuốt cho nội dung, chất lượng tác phẩm mà cứ nghĩ, chỉ cần tạo được tiếng cười cho người xem là được, mặc tiếng cười ấy có vô bổ, vô duyên, có giá trị nghệ thuật hay không. Đó cũng là lý do những ngôn từ nhảm nhí, nói tục, kém duyên được đem lên sân khấu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến sân khấu hài dần kém chất, khán giả quay lưng”.
Vất vả hoạt động
Trước tình hình eo sèo của sân khấu hài, nghệ sĩ Hoài Linh đã khởi xướng thành lập CLB Nghệ sĩ hài TPHCM nhằm tạo một sân khấu chuyên hoạt động hài kịch, tạo sân chơi nghệ thuật cho anh em, đồng thời góp phần chỉnh đốn lại những mặt chưa tốt của sân khấu hài. Cũng từ đây, CLB sẽ tự tích lũy, thành lập quỹ để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động và xây dựng CLB, hỗ trợ và giúp đỡ những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, lo việc hiếu hỉ của anh em trong giới…
NS Hoài Linh cho biết: “Anh em chúng tôi bức xúc nhất là chuyện công sức lao động của một nhóm hài từ 2, 3 người đến 9, 10 người khi đem so sánh không bằng cát sê của một ca sĩ mới nổi. Phải đánh giá lại đúng với công sức lao động của nghệ sĩ hài. Trước đây anh em hoạt động nhỏ lẻ, nên đôi khi mình cũng khó khăn khi muốn đóng góp ý kiến để nâng chất hoạt động biểu diễn”.
Thành lập từ đầu năm 2015 với ban chủ nhiệm tạm thời gồm NS Hoài Linh, Phương Bình, Thanh Tùng… CLB đã thu hút 30 nhóm hài với hơn 80 thành viên tham gia nhiệt tình. Kế hoạch tổ chức hoạt động của CLB cũng được phân công rõ ràng với các nhóm nghệ sĩ chuyên lo về sáng tác kịch bản, dàn dựng, thẩm định chất lượng nghệ thuật, tổ chức biểu diễn… tập trung xây dựng những kịch bản hài có nội dung, giúp đem lại tiếng cười ý nghĩa và bổ ích cho khán giả, có ý nghĩa với đời sống xã hội.
Tuy nhiên, khi ra mắt dịp cận Tết Ất Mùi, CLB gặp không ít khó khăn về địa điểm biểu diễn. Dù có sự hỗ trợ về điểm diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM và thuê được mặt bằng phòng trà Ômely (số 1088 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức), nhưng sức lan tỏa của CLB chưa sâu rộng. Hoạt động tổ chức biểu diễn của CLB đành tạm ngưng sau 5 đêm diễn tại sân khấu NVH Thanh niên. Đây là một khởi đầu gian nan của CLB Nghệ sĩ hài TPHCM.
NSƯT Hữu Châu tâm tư: “Sân khấu hài eo sèo cũng vì hiếm kịch bản hay, thiếu người viết kịch bản. Chưa kể, bây giờ ai cũng có thể làm diễn viên hài, làm “danh hài” quá dễ nên khán giả bội thực. Thật ra, nghệ sĩ ở bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng rất cần trình độ, mà nghệ sĩ hài lại càng cần trình độ nhiều hơn, cần có cả sự thông minh, nhanh trí…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.