Gần đây, những người biên soạn sách giáo khoa (SGK) đã cắt bỏ bớt đoạn Tấm đem xác Cám làm mắm và gửi cho mẹ ăn. Có lẽ, vì đó là một hành vi quá thú tính, quá dã man, một tội ác ghê rợn, trong phần kết tàn khốc của một trong những câu chuyện nổi tiếng mà không một người Việt nào không biết, không được học qua.
Nhân câu chuyện sửa đoạn kết chuyện "Tấm Cám", trên một diễn đàn pháp luật, một câu hỏi được đặt ra: Cô Tấm đã phạm tội gì? Câu trả lời là Tấm đã phạm tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự với các tình tiết tăng nặng: i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ và q) Vì động cơ đê hèn. Có lẽ một cái án tử cho "thị Tấm" vẫn còn là quá nhẹ nhàng.
Tất nhiên, không thể dùng Luật Hình sự để truy cứu một hành vi trong truyện cổ tích. Cũng như không thể dùng đạo đức hiện tại để xem lại quan niệm đạo đức của ngày xưa. Nhưng cái ác thì ở đâu, đời nào, cũng đáng phải bị lên án như nhau.
Bởi vậy, câu hỏi đặt ra hôm nay, thực ra cũng đã được đặt ra từ hàng chục năm trước - không phải là có nên sửa đoạn kết của câu chuyện hay không, mà phải là "có nên để tồn tại cái ác, sự tàn nhẫn dã man trong SKG?" - loại sách vẫn được coi là mực thước giáo dục nhân cách con người từ khi họ còn là những “tờ giấy trắng”.
Sự tàn bạo không phải là ở cái chết, mà là cái cách giết chết. Cái ác có ngay trong hành vi giết người, nhưng sự phi nhân tính và sự ghê rợn của tội ác lại ở những hành vi sau đó, khi cô Tấm dịu hiền băm xác người làm mắm gửi về, nhấn mạnh là cho mẹ cô - dù đó là mẹ ghẻ.
Trong thời điểm xảy ra tranh cãi "Tấm -Cám", trên facebook, Nickname "Kẹo mút chơi bời" đã viết một đoạn tin sau: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy, đã củ tỏi hồi 17 giờ 7. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”. Hối lỗi là cái gì đó quá xa xỉ! Không có thậm chí chỉ chút xíu stress nào khi gây tai nạn chết người. Chỉ thấy sự hả hê, khoái trá. Thái độ mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là sự hồn nhiên độc ác.
Sẽ có rất nhiều người thừa nhận đây là một thứ tâm lý xã hội chung với vô số những ví dụ.
Công an Yên Bái đã triệu tập "Kẹo mút". Câu hỏi đầu tiên, giờ đây nên là: "Có học truyện Tấm Cám trong SGK không?
Rất dễ hiểu: Chúng ta hắt mực Tàu lên giấy trắng thì chúng ta sẽ phải nhận lại bức tranh đen đúa- những sản phẩm phi nhân tính.
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.