Sản xuất đường từ cây dừa nước

Thứ sáu, ngày 16/09/2016 10:32 AM (GMT+7)
Cây dừa nước có tên khoa học là Nypa Fruticans Wurmb, nguồn gốc nhiệt đới, được bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trồng từ lâu để lấy quả uống nước hay ép dầu.
Bình luận 0

img

Cây dừa nước

Tại ĐBSCL, dừa nước mọc thành bụi, thân ngầm, chỉ có lá mọc thẳng vươn cao thành rừng, rất thích hợp với vùng đầm lầy, kênh rạch. Đặc biệt là dừa nước có khả năng chịu mặn tốt hơn các loại dừa thông thường trồng để lấy quả uống nước hay ép dầu. Bởi vậy dừa nước thường được trồng hoặc mọc tự nhiên khắp các bờ sông, rạch để ngăn sóng, chống lở đất, chống xói mòn rất phổ biến...

Có thể nói ở khắp các tỉnh ĐBSCL, đi đâu cũng gặp dừa nước. Trong kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ cứu nước, các rừng dừa nước chính là nơi an toàn kín đáo để che giấu quân đội hay du kích, giống như rừng núi ở Việt Bắc đã đi vào thơ của Tố Hữu: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, dù rừng núi miền Nam đã bị quân đội Mỹ rải chất độc làm rụng lá cây, nhiều khu rừng cây bị khô, chết hàng loạt, nhưng rừng dừa nước vẫn hiên ngang giữa trời đất để che chở cho bộ đội ta ngày đêm làm cứ điểm tấn công kẻ địch.

Ngoài những lợi ích như vậy, lá và cọng dừa nước cùng với lá và cọng dừa trồng trên cạn là nguồn lợi chính để lợp nhà, làm vách che mưa, che nắng cho hàng triệu hộ dân ở các tỉnh miền Nam.

Ngày nay, đất nước đã an bình, dừa nước vẫn tiếp tục đóng góp vai trò to lớn là vừa làm tấm lợp vừa giữ cho môi trường sinh thái được trong lành. Sau ngày hòa bình được lập lại, để khôi phục và phát triển kinh tế nên phong trào khai hoang phục hóa đã phát triển mạnh. Nhiều cánh rừng tràm và rừng cây gỗ quý đã bị phá để có đất trồng lúa, trồng màu. Diện tích che phủ đã giảm rất đáng kể.

Để đối phó với tình trạng biến đổi khi hậu đang diễn ra ngày một khốc liệt, Nhà nước đã có chủ trương khôi phục lại rừng, lấy cây dừa nước làm điểm tựa. Vì rừng dừa nước không tranh chấp với đất nông nghiệp, chỉ trồng dọc bờ sông, bờ kênh, rạch, các cửa sông, bãi biển. Ước tính diện tích dùng để trồng dừa nước trên những vùng sinh thái như vậy có đến hàng triệu ha.

Lợi ích chính khi trồng dừa nước so với các loại cây trồng khác là không phải bón phân hay chăm sóc phức tạp. Vì dừa nước trồng dọc các bãi sông, rạch thường xuyên được nước triều mang phù sa đến và cũng là nơi hứng lấy các chất dinh dưỡng từ đồng ruộng hay vùng cao mang về.

Dừa nước lại chịu mặn tốt. Trong luận văn tiến sỹ của Lê Thị Thanh Thủy, cho thấy dừa nước có thể chịu độ mặn của nước biển như ở Trần Đề (Sóc Trăng) có độ mặn đến 2,1 phần nghìn. Trong kết quả nghiên cứu của Thanh Thủy cho thấy, dừa nước có thể được khai thác để chế biến đường như cây thốt nốt ở Campuchia.

Khai thác đường mà không phải chặt cây như với cây mía hay củ cải đường. Chỉ khai thác nhựa của hoa dừa nước, tháng sau, mùa sau hoa mới lại sinh ra. Thu nhựa và chưng thành đường sẽ được nguồn lợi đường rất lớn dùng để làm nước giải khát hay đường bánh, đường thỏi để dùng nấu chè hoặc chế biến các mòn ăn khác rất thuận tiện, giảm được lượng đường mía dành cho xuất khẩu.

Nghiên cứu của Thanh Thủy cho thấy cây dừa nước trồng trong tự nhiên có thể ra hoa quanh năm. Nhưng trên đất mặn cây ra hoa tập trung từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, trên đất ngọt cây ra hoa tập trung từ tháng 1 đến tháng 4. Tỷ lệ ra hoa trên vùng đất mặn đạt đến 72%, trên vùng nước lợ tỷ lệ ra hoa đạt 68%. Còn trên vùng đất ngọt tỷ lệ ra hoa có thấp hơn, khoảng 60%.

Điều này chứng tỏ rằng dừa nước có ưu thế hơn nhiều loại cây trồng khác, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay cấn hơn, nước mặn ngày một dâng cao và tiến sâu vào đất liền. Nếu có rừng dừa nước án ngữ ở tầng ngoài thì được coi như một lớp giấy lọc ngăn bớt một phần muối từ biển đưa vào đồng ruộng.

img

Ngoài ra, có một nguồn lợi từ dừa nước mà từ trước đến nay ít ai nghĩ đến, đó là nguồn lợi về đường. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đường chứa trong nhựa hoa dừa nước chiếm đến 17%, trong lúc đường mía hiện nay chỉ ở mức trung bình khoảng 10%. Thu hoạch nhựa hoa dừa nước cũng không quá phức tạp so với hoạt động của từng hộ. Sau khi hoa nở khoảng 5 - 7 tháng người ta cắt hoa và dùng túi nhựa buộc vào cuống hoa để hứng nhựa.

Nhưng để có sản lượng nhựa cao thì cần áp dụng một số kỹ thuật đơn giản như sau khi hoa nở dùng tay uốn cuống hoa cho cong, uốn khoảng 12 lần. Khi hoa được khoảng 4,5 - 6 tháng dùng chày gỗ quấn vải, gõ nhẹ vào dọc cuống hoa, làm như vậy 1 ngày 3 lần, tiếp tục 5 - 7 tuần. Sau đó cắt bỏ hoa, dùng túi nhựa buộc vào cuống hoa để hứng nhựa giống như hứng nhựa cây thốt nốt. Nhựa thu được đem về nấu thành đường. Công nghệ này Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ) đã được cấp bản quyền.

Từ kết quả nghiên cứu sản xuất thử, tác giả Thanh Thủy đã cho biết cứ một công 1.000m2 có 250 bụi dừa nước, lấy tỷ lệ ra hoa là 50% thì cũng được 125 buồng hoa đạt tiêu chuẩn thu nhựa, mỗi buồng hoa thu được 58 lít nhựa, ta có 6.875 lít nhựa hoa trên 1.000m2, sản xuất được 1.058kg đường chảy. Nếu giá bán là 15.000 đồng/kg đường chảy thì thu được 15.870.000 đồng. Sau khi trừ tổng chi phí khoảng 7.560.000 đồng còn lời được 8.310.000 đồng/1.000m2 đất bờ sông.

Nguồn lợi này mở ra một hướng để nhà nhà có thể trở thành một xưởng thủ công sản xuất đường dừa nước, mở ra khả năng sống chung với biền đổi khí hậu, nước mặn dâng cao mà không lo đến cuộc sống bị xáo trộn.

G.S Mai Văn Quyền (Nông Nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem