Sản xuất khép kín, nhiều HTX thu lợi lớn

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 10/03/2021 20:32 PM (GMT+7)
Khi tự chủ được cả quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, HTX không chỉ giúp ích cho chính xã viên của mình, mà còn là đòn bẩy cho sự phát triển của các HTX nông nghiệp khác.
Bình luận 0

Với sự hỗ trợ từ tổ chức phi lợi nhuận Socodevi, các HTX nông nghiệp như Thanh Bình, Bưởi da xanh Bến Tre... đang từng bước trưởng thành vững chắc.

Mọi người cùng làm sạch

Ở HTX Bưởi da xanh Bến Tre, xã viên Vương Thành Công thường tự hào khoe, bưởi da xanh khắp miệt đồng bằng, không đâu ngon bằng trồng ở Bến Tre. Nhưng để chữ tín bưởi da xanh Bến Tre thơm ngon dài lâu thì cây trồng, đất trồng cũng phải "ngon".

Sản xuất khép kín, HTX thu lợi lớn - Ảnh 1.

Xã viên HTX Thanh Bình đang chăm sóc vườn thanh long. Ảnh: VCED

"Sự hỗ trợ của tổ chức Socodevi thông qua dự án VCED đã giúp số thành viên và giá trị gia tăng của 5 HTX tăng lên hàng năm nhờ năng lực quản trị HTX được cải thiện đáng kể. Từ đó, hoạt động của HTX gắn theo cơ chế thị trường".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam

Theo ông Công, "ngon" ở đây là phải vừa sạch, vừa tốt. Đất tốt, cây tốt thì trái bưởi mới tốt; và đất sạch, cây sạch thì trái bưởi mới sạch, mới ngon. Đã cùng liên kết sản xuất thì trái bưởi phải sạch, ngon ở vườn trồng của từng nông hộ. 

"Đó là cách mà HTX Bưởi da xanh Bến Tre đã và đang thực hiện để bán bưởi ra thế giới" - ông Công nói.

Theo như cách trồng bưởi đó thì ý thức sản xuất sạch, chăm sóc bài bản, sử dụng đúng phân thuốc, liều lượng luôn được nhà vườn đề cao. Các xã viên như ông Công thường xuyên áp dụng những kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp IPM để giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV. Ngay cả cặn thuốc BVTV còn sót lại trong bình, sau phi phun xịt, cũng được đổ vào hố biobed để xử lý thay vì đổ bừa ra đất, ra kênh nước như trước kia.

Ông Hồ Văn Đấu - một xã viên khác thì kể, chỉ khi cần thiết lắm mới phải sử dụng thuốc BVTV. Nếu có sử dụng cũng chọn các loại có nguồn gốc sinh học để bảo vệ các loại thiên địch trong vườn. Hiện ông Đấu đang sử dụng rất nhiều phương pháp sinh học như nuôi kiến vàng để trị sâu cuốn lá, sâu xanh; nuôi con ong ký sinh, đẻ trứng vào con bướm hại trái bưởi; hoặc treo túi tinh dầu sả đuổi bướm vào vườn bưởi đẻ trứng...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - cán bộ kỹ thuật của HTX cho biết, các xã viên giờ đây không hoàn toàn sản xuất dựa vào kinh nghiệm mà tích cực học hỏi các tiến bộ kỹ thuật, thông qua các lớp tập huấn, đào tạo định kỳ của HTX. Và dù đã được chứng nhận VietGAP, HTX vẫn có một tổ thanh tra nội bộ, để đảm bảo trái bưởi khi đưa ra thị trường an toàn cho người dùng lẫn người sản xuất.

Tháng 10/2020, chuyến hàng 5 tấn bưởi của HTX bưởi da xanh Bến Tre đã vượt qua gần 700 chỉ tiêu thuốc BVTV để chính thức bày bán tại các cửa hàng rau quả của Canada. Đầu năm 2021, bưởi của HTX lại tiếp tục có mặt ở Singapore.

Năng lực tự chủ

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT HTX bưởi da xanh Bến Tre cho biết, được tổ chức Socodevi (Canada) hỗ trợ thông qua Dự án Phát triển HTX Việt Nam (VCED), mới đây, một khu phức hợp sản xuất đa chức năng đã được HTX khởi công xây dựng.

Sau khi giải quyết vấn đề cốt lõi là sản xuất sạch ở cấp nông hộ, khu phức hợp chế biến, sản xuất là bước tiến mới nhằm tận dụng hết sản lượng bưởi của xã viên, đảm bảo mọi bộ phận của trái bưởi tươi sẽ được tận dụng, chuyển hóa thành sản phẩm khác.

Khu phức hợp sẽ giúp HTX hoàn thiện chuỗi giá trị, đẩy mạnh sản lượng thu mua và tăng lợi nhuận thu về. "Không chỉ xã viên được lợi mà HTX còn gia tăng cơ hội liên kết với các HTX khác thông qua cung cấp nguyên liệu đầu vào và thu mua đầu ra cho họ" - ông Bảo nói.

Từ giữa năm ngoái, khi các hoạt động kinh tế khắp nơi bị đình trệ do đại dịch Covid-19, lô thanh long đầu tiên của HTX Thanh Bình ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã cập cảng Toronto (Canada) an toàn, trong tình trạng tốt nhất của một trái thanh long tươi, ngon và sạch.

HTX thanh long Thanh Bình cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự từ Socodevi. Đến tháng 9/2020, HTX Thanh Bình đưa vào vận hành nhà xưởng phục vụ cho công tác sơ chế. Sau khi có nhà xưởng mới, năng lực của HTX mới tự chủ hoàn toàn khi tự đứng tên hợp đồng thương mại quốc tế, tự quản lý tất cả các khâu từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói và ký hợp đồng dịch vụ vận chuyển.

Xã viên Nguyễn Hoài còn nhớ, đó là lô hàng xuất khẩu cuối năm 2020. Nhờ có nhà xưởng đóng gói mà HTX không còn phụ thuộc vào các cơ sở bên ngoài. HTX tiết kiệm được chi phí, đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa, tự mình quản lý tất cả các khâu. "Cuối cùng, lợi nhuận tăng lên bao nhiêu thì bà con hưởng lợi bấy nhiêu" - anh Hoài nói.

HTX Thanh Bình và HTX bưởi da xanh Bến Tre là 2 trong số 5 HTX kiểu mới được thành lập tại các tỉnh Sóc Trăng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bến Tre trong dự án VCED. Bà Gaby Breton - Đồng giám đốc Dự án VCED khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX tìm kiếm, mở rộng thị trường trong thời gian tới. Và đó phải là những thị trường chất lượng cao.

Sự tin tưởng đặt hàng của đối tác đã cho thấy khả năng chống chọi của mô hình kinh tế hợp tác trong những thời điểm khó khăn; cũng như tiềm năng của các HTX trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân. "Đây là những mô hình HTX điển hình có thể nhân rộng ra các tỉnh khác trên cả nước trên con đường phát triển kinh tế hợp tác của Việt Nam" - bà Gaby Breton nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem