Sản xuất lúa vụ 3: Mất nhiều hơn được

Thứ bảy, ngày 08/06/2013 06:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá lúa đang rớt thê thảm trong khi Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nói nước đôi rằng “chấp nhận bán lỗ hay để vịt ăn?” khiến nhiều người không tin tưởng sẽ thu được lợi nhuận từ vụ mùa sắp tới.
Bình luận 0

Xung quanh đề xuất nên tạm dừng sản xuất lúa vụ 3, phóng viên NTNN ghi nhận ý kiến một số chuyên gia, nhà quản lý.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Nên tạm ngừng!

“Nhiều năm trước, chúng ta sản xuất lương thực là để có cái ăn, vì nhiều nơi thiếu lương thực. Trong vòng vài chục năm, nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu, làm luôn nhiệm vụ "an ninh lương thực" cho những nước khác. Nhưng tiền hầu hết vào túi thương gia, còn nông dân thì vẫn nghèo khổ. Đâu chỉ dân trồng lúa mới “chết”, mà cả đồng bằng này, người nuôi cá cũng “chết”, nuôi heo, nuôi gà cũng “chết”, nợ nần chồng chất. Nếu càng làm càng lỗ như thời gian qua, thì nông dân chỉ cần làm đủ ăn là được.

img
Một số địa phương không khuyến khích trồng lúa vụ 3 vì chi phí cao, năng suất lại thấp

Ý kiến nên tạm ngừng trồng lúa vụ 3, tôi cho là rất hay. Bởi trồng làm gì, khi mà nông dân càng trồng càng lỗ; trồng xong không biết bán cho ai. Giá lúa gạo đang xuống tận đáy là do cung vượt cầu, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang thừa. Nhà nước cứ hô hào sản xuất, nhưng không tìm được đầu ra. Nông dân đã mệt lắm rồi, nên nghỉ trồng vụ 3 để được nghỉ ngơi, cũng phải cho đất nghỉ. Nếu không tính toán lại sản xuất và quản lý chặt chẽ, thì hàng loạt nông dân ngành nghề khác cũng chết chứ không chỉ dân trồng lúa”.

GS-TS Võ Tòng Xuân: Hãy cho người và đất nghỉ

Theo tôi, tạm ngừng sản xuất lúa vụ 3 là ý tưởng hay. Ở miền Bắc một năm có 2 vụ lúa chính là vụ chiêm và vụ mùa. Ở miền Nam, nông dân trồng 3 vụ một năm- vụ đông xuân (có sản lượng cao nhất và thóc cũng đạt chất lượng tốt nhất cho xuất khẩu), vụ hè thu và vụ 3. Có thời gian, chúng ta đắp các con đê chống lũ nhằm tăng sản lượng lúa vụ 3. Nhưng thực tế, lúa vụ 3 chất lượng hạt gạo không cao, chi phí chăm sóc lại tăng nên nông dân lời rất ít. Nếu thừa lúa như hiện nay thì nông dân thua lỗ.

Lâu nay, Nhà nước cứ giao cho “ông” VFA (Hiệp hội Lương thực Việt Nam) lo đầu ra lúa gạo, nhưng thực tế VFA quá yếu kém, không tìm được đầu ra ngon lành, nếu xuất được gạo giá cả cũng thấp nên nông dân trồng lúa khổ hoài. Cứ bắt dân lao vô sản xuất mà không lo đầu ra là chuyện nghịch lý.

Nếu cứ đeo bám lúa vụ 3, thì đất sẽ ngày càng nghèo kiệt, môi trường bị ảnh hưởng và khủng hoảng thừa sản phẩm trong khi nông dân cũng mệt mỏi mà chẳng được hưởng gì.

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An: Chi phí cao, năng suất thấp

“Ý tưởng tạm ngừng sản xuất lúa vụ 3 là một đề xuất cần được xem xét thấu đáo. Ở Long An, nhiều năm nay lúa vụ 3 chúng tôi làm rất hạn chế. Một số huyện vùng lũ Đồng Tháp Mười, có đê bao lửng thì nông dân có trồng lúa vụ 3, như huyện Tân Thạnh khoảng 10.000ha, huyện Tân Hưng khoảng 4.000ha. Chúng tôi không khuyến khích trồng lúa vụ 3 vì chi phí cao, năng suất lại thấp và chất lượng lúa cũng thấp.

Hơn nữa, trồng lúa vụ 3 đất đai sẽ không hứng được phù sa mùa lũ, lại là đường dẫn cho sâu bệnh phát triển. Bây giờ mà bảo ngừng trồng lúa vụ 3, sẽ có hiện tượng người ngừng, người trồng. Nếu sắp tới lúa khan hiếm, người trồng vụ 3 được lợi, thì người không trồng lại trách Nhà nước tại sao cấm trồng.

Do vậy, ý tưởng ngừng lúa vụ 3 là hay nhưng cần có lộ trình thực hiện, phải tùy theo hoàn cảnh thực tế của từng địa phương. Như ở Long An, người dân không trồng lúa vụ 3 thì chuyển qua trồng rau màu ngắn ngày, lợi nhuận từ bằng tới cao hơn cây lúa.

Người nông dân lâu nay chịu thương chịu khó quen rồi. Nông dân không bao giờ chịu nằm chơi mấy tháng liền. Thế nên, muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nếu không làm lúa vụ 3 thì Bộ NNPTNT phải vào cuộc, chứ từng địa phương làm nhỏ lẻ thì không thể được”.

Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Không phải muốn ngừng là được

Đề xuất tạm ngừng sản xuất lúa vụ 3 chỉ một ý kiến giải quyết những vướng mắc trước mắt, tất nhiên, cũng cần xem xét. Tuy nhiên, theo tôi, sản xuất lúa vụ 3 liên quan đến vấn đề an ninh lương thực, các vấn đề xã hội.

Diện tích lúa vụ 3 là 800.000ha, tính ra có khoảng 800.000 nông hộ tham gia sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 3,2 triệu lao động trong vòng 3 tháng. "Nếu không sản xuất lúa vụ 3, hơn 3 triệu lao động sẽ làm gì? Sang năm lúa được giá thì sao?

Tôi cho rằng, để giải quyết được vấn đề này, ngành lương thực cần làm tốt công tác dự báo thị trường để có những kế hoạch sản xuất và chuyển dịch hợp lý hơn, đa dạng và linh hoạt hơn theo hướng đảm bảo cung-cầu thị trường, tăng giá trị lúa gạo, đảm bảo lợi ích nông dân và doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc tạm ngừng sản xuất lúa vụ 3 cần có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan chứ không thể ngừng ngay được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem