Từ tháng 1.2013 đến nay, thị trường lại vào “cơn bão” tăng giá sữa. Là chuyên gia thương mại, theo ông tại sao đến nay chúng ta vẫn không quản lý được giá sữa mà cứ để tình trạng giá mặt hàng này tăng vô tội vạ?
- Chúng ta đã từng quy định, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thì phải kê khai giá và sữa là mặt hàng phải chịu sự quản lý của Nhà nước về bình ổn giá. Nhưng mới đây mặt hàng này đã bị chuyển sang thành thực phẩm bổ sung và không còn kê khai giá, không còn thuộc diện mặt hàng bình ổn giá nữa, Nhà nước cũng không quản lý nữa. Ngay lập tức giá sữa trên thị trường đã tăng lên liên tục và tăng với mức độ mạnh hơn nhiều so với trước kia.
|
Chuyên gia Vũ Vinh Phú |
Nhưng từ trước tới nay, mặt hàng này dù có được quản, được niêm yết giá nhưng chúng ta cũng đâu có quản được, ông có thể lý giải?
- Bởi với chúng ta, việc quản giá sữa là “lực bất tòng tâm”. Quản mà không biết cách quản nên giá sữa tăng cứ tăng đâu có sợ gì. Chúng ta đang áp dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc trong việc quản lý giá sữa bằng cách đi kiểm tra giá, xử phạt các vi phạm về giá. Nhưng thử hỏi chúng ta có bao nhiêu chuyên gia trong lĩnh vực giá thực hiện việc này. Chưa kể, có hàng nghìn mặt hàng sữa chúng ta không thể có đủ lực lượng và thời gian để kiểm tra hết. Là lãnh đạo của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tôi đã nhiều lần tính toán rằng, một cán bộ quản lý thị trường đi kiểm tra một cách liên tục, cần mẫn thì cũng phải mất 7 năm mới quay lại được một người bán hàng. Do vậy, quản lý bằng các công cụ hành chính là thất bại và kiểm soát giá sữa chính là một thất bại.
|
Sản phẩm sữa bột sản xuất trong nước chưa thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. |
Theo nhìn nhận của ông, giờ sữa không còn là mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý nữa thì giá sẽ còn bị thao túng như thế nào?
- Tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần phải đưa cả các sản phẩm thực phẩm bổ sung vào kê khai giá, niêm yết và quản lý giá. Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, nhưng có quản lý thì các hãng sữa còn dè chừng khi tăng giá hơn là không có sự quản lý. Tuy nhiên về lâu dài thì chúng ta phải có các biện pháp căn cơ hơn. Thực tế hiện nay sản xuất sữa của chúng ta đang quá yếu. Thời gian qua, giá sữa của các đơn vị trong nước chỉ tăng ở mức thấp nhưng sữa của nước ngoài vào VN tăng nhiều. Cả nước có tới trên 200 công ty tư nhân chuyên nhập khẩu sữa, không có tổng công ty nhà nước nào nhập nên giá sữa dễ bị thao túng.
Nhưng mặt hàng nào có dấu hiệu thao túng, tăng giá bất hợp lý, chúng ta vẫn có thể xử lý chứ?
- Nhưng từ xưa tới nay, chúng ta có thấy cơ quan chức năng nào “thổi còi” những sự bất hợp lý này đâu. Chúng ta cũng chưa phạt được ai, dừng nhập được ai; hơn nữa dù có phạt cũng không ăn thua nếu cứ làm từ ngọn và làm theo kiểu hành chính hiện nay. Bởi chúng ta vẫn chưa có đủ các công cụ cần thiết để thực hiện nó. Đánh thuế nhập khẩu với sữa không thể bởi tới đây thuế mặt hàng này theo cam kết hội nhập sẽ còn xuống 0%. Còn áp dụng hàng rào kỹ thuật thì cả nước còn không có lấy một trung tâm kiểm nghiệm ra hồn thì làm sao áp dụng được. Người dân tẩy chay sản phẩm cũng không được vì dân mình vốn chịu thương chịu khó, hy sinh cho con, nếu không mua sữa thì con không có sữa để uống nên đành nhịn ăn mà mua với giá cao... Tôi sang Thái Lan thấy trung tâm kiểm nghiệm của họ mà “thèm”. Họ chỉ lấy xác suất sản phẩm để kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu, có vấn đề là họ hủy ngay tại chỗ. Kiểm nghiệm tốt thì làm sao giá tăng bừa bãi được. Với chúng ta, chuyện quản lý trên thị trường thì vẫn là câu chuyện dài, lo an toàn chúng ta còn chưa làm nổi thì với giá càng khó khăn hơn. Nhưng tôi cho rằng khó cũng phải làm, nếu không dân của chúng ta quá khổ.
Ông Vũ Vinh Phú nhận xét: “Sự phối hợp quản lý của chúng ta cũng yếu kém, bất cứ trên thị trường xảy ra vấn đề gì, từ vi phạm chất lượng hay giá cả sản phẩm thì bộ nọ đẩy sang ngành kia; cho nên câu chuyện “lực bất tòng tâm” trong quản lý của chúng ta là một nhẽ, còn lại đó là sự thiếu trách nhiệm với dân”.
Vậy theo ông, mấu chốt của vấn đề quản lý giá sữa là gì?
- Là sản xuất sữa trong nước của mình phải mạnh lên. Cái gốc cuối cùng vẫn là sản xuất của ta. Nhà nước phải có cơ chế cho sản xuất sữa trong nước phát triển. Sữa bột, sữa nước của ta phải phát triển để cạnh tranh ngang bằng với sữa ngoại (sữa nước của Vinamilk hiện đã chiếm lĩnh tới 50% thị phần, sữa bột của ta thì còn kém). Dù khó khăn, lâu dài, chúng ta cũng phải làm vì không có sự bắt đầu thì không bao giờ làm được. Chỉ có cách đầu tư dài hạn cho sản xuất, còn trước mắt thì khó mà quản được thị trường sữa hiện nay. Nhà nước cần có chính sách miễn thuế cho nông dân nuôi bò sữa, cho đồng cỏ và thiết bị sản xuất sữa, có các cơ chế về tín dụng, lãi suất...
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.