Đó là phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến” do thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng chế.
Giới thiệu về phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến”, thầy Vũ Hoàng Sơn cho biết, học sinh chỉ cần máy tính là có thể học được. Với hơn 15 năm đi dạy, thầy Sơn nhận thấy học sinh ngày càng thờ ơ với môn Lịch sử, thậm chí có không ít trường học sinh không chọn Sử để thi…
“Từ đó, tôi nghĩ cần phải thay đổi cách dạy học môn này để các em hứng thú. Thế là tôi nghĩ phải kết hợp Lịch sử với các trò chơi, phim ảnh để học sinh hứng thú học” - thầy Sơn kể về sự tích ra đời “đứa con” của mình.
Để hoàn thiện phần mềm này, thầy Sơn mất gần 1 năm thiết kế, dàn dựng, tìm tư liệu… Phần mềm được thiết kế trên nền tảng phần mềm violet tương tự như PowerPoint nên rất gần gũi với giáo viên và học sinh. Phần mềm bao gồm 28 bài học (toàn bộ chương trình của phân môn Lịch sử lớp 4). Có hệ thống bài tập/trò chơi đa dạng về hình thức và cách làm bài tạo được sự hấp dẫn cũng như kích thích sự tò mò cho học sinh.
Phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến” của thầy Vũ Hoàng Sơn là một trong 50 sản phẩm được lựa chọn đại diện cho TP.HCM tham gia cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016” cấp Quốc gia.
Khi làm phần mềm, thầy Sơn đặt tiêu chí “đơn giản – thân thiện – tiện dụng” và dựa trên các ý tưởng như một “gameshow” để thực hiện. Các thao tác hết sức đơn giản giống như các em đang chơi game. Các em cũng không cần kiến thức về tin học vẫn có thể thực hiện một cách dễ dàng, bằng cách dùng chuột và bàn phím là có thể vừa học vừa chơi với môn Lịch sử mà không quá áp lực. Ở mỗi bài học, giao diện đều rất thuận tiện bao gồm các mục ôn bài bài cũ, bài mới, củng cố, tư liệu. Sau mỗi bài học đều có một đoạn phim hay bài hát tư liệu mô tả, tóm tắt lại toàn bộ bài học để học sinh dễ ghi nhớ.
“Với phần mềm này, giáo viên sẽ thay đổi cách dạy truyền thống từ lối truyền thụ, giảng giải sang cách dạy “lấy học sinh làm trung tâm”, “thầy thiết kế - trò thi công”. Học sinh sẽ lập tức biết bài làm của mình đúng hoặc sai ngay sau khi hoàn thành” - thầy Sơn giải thích.
Thầy Sơn dẫn chứng SGK Lịch sử và Địa lý lớp 4 có bài 3: “Nước ta dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc”. Sau khi đưa vào phần mềm học trực tuyến có sự khác biệt lớn. Cụ thể, ở SGK, bài này hơn 1 trang nhưng toàn chữ mà không có một tấm hình nào minh họa, cuối bài thì có phần ghi nhớ và câu hỏi ôn lại nên dễ gây nhàm chán và khó hiểu với học sinh. Còn ở phần mềm, thầy Sơn thiết kế mở đầu bài là hình ảnh về một vương triều của Việt Nam nên có sức hấp dẫn ban đầu.
“Vào đến nội dung là những hoạt động như chơi ô chữ, điền vào chỗ trống rồi trắc nghiệm. Ở mỗi hoạt động, nếu học sinh chọn sai đáp án thì máy tính sẽ báo dòng chữ “Bạn sai rồi” cùng với biểu tượng cái mặt buồn. Còn nếu đúng, máy tính sẽ hiện lên dòng chữ “Chúc mừng” cùng với biểu hiện mặt cười và tiếng vỗ tay” - thầy Sơn nói.
Em Nguyễn Hoàng Như, học sinh lớp 4/6, trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh sau gần một năm học Lịch sử bằng phần mềm này đã thích thú với môn này.
“Mỗi khi con làm bài sai thì máy hiện lên mặt buồn với dòng chữ “Bạn sai rồi” làm con buồn lắm nên phải làm lại cho đến khi đúng mới thôi. Còn khi nào trả lời mà đúng thì máy vỗ tay làm con rất vui” -Như nhí nhảnh kể.
Chị Nguyễn Thị Bé Tư, mẹ của Hoàng Như cho biết, kể từ khi con được thầy giáo cho phần mềm này về nhà học, không chỉ con mà chị cũng thấy thú vị. “Phần mềm rất dễ học, ngắn gọn và sinh động hơn SGK rất nhiều. So với anh trai nó học bằng SGK trước đây thì bé Như học bằng phần mềm này nhanh thuộc bài và nhớ lâu hơn rất nhiều” - chị Bé Tư cho biết.
Bà Du Huê Hường, chuyên viên phòng Giáo dục quận Bình Thạnh cho biết, phần mềm của thầy Sơn hữu ích gồm có các đoạn phim, tư liệu, trò chơi được sắp xếp theo các chủ đề phù hợp với từng bài học khác nhau, giúp học sinh có thể tự học, tự kiểm tra kiến thức của mình kể cả trên lớp lẫn ở nhà.
“Năm học vừa qua, quận Bình Thạnh đã nhân rộng phần mềm này ở các trường tiểu học trên địa bàn để học sinh và giáo viên ứng dụng trong học tập môn Lịch sử” - bà Hường nói.
Nguyễn Dũng (Tiền phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.