Sang Hàn Quốc làm dâu: Tay trắng sau ly hôn

Thứ hai, ngày 14/03/2011 18:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 1.900 – 2.000 phụ nữ Cần Thơ lấy chồng có yếu tố nước ngoài, trong đó có đến 3/4 lấy chồng Hàn Quốc. Điều đáng quan tâm là có khá nhiều vấn đề phát sinh, nhất là chuyện sau hôn nhân.
Bình luận 0

Ước vọng đổi đời

img

Phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp TP.Cần Thơ, từ năm 2005 đến nay đã có hơn 8.000 phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc. Riêng năm 2010, có 433 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; 1.364 trường hợp ghi chú kết hôn, chủ yếu với người Hàn Quốc. Phụ nữ TP.Cần Thơ lấy chồng nước ngoài ngày càng tăng, đa số do điều kiện kinh tế khó khăn.

Ông Lê Thanh Tùng - Chủ tịch UBND phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thừa nhận: “Các năm qua, một số gia đình trong phường có con em kết hôn với người nước ngoài (trong đó có Hàn Quốc) phần lớn kinh tế đều được cải thiện.

Từ đó tác động đến tâm lý chị em và vì thế kết hôn với người nước ngoài luôn có chiều hướng tăng”. Còn bà Nguyễn Thị Bảo Trân - cán bộ Tư pháp xã Trường Xuân, huyện Thới Lai cho rằng: Nhiều chị em lấy chồng Hàn Quốc nhằm thực hiện ước mơ của cha mẹ và xem như là mốt thời đại. Lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống phóng khoáng, có tiền mang về cho cha mẹ cất nhà, tậu xe mới… Tất cả những hào nhoáng này như là ma lực khiến các cô gái lấy chồng nước ngoài ngày càng nhiều.

Nhiều vấn đề sau hôn nhân

Nhiều phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc là do thủ tục kết hôn dễ dàng hơn so với các nước khác. Nhưng các cuộc hôn nhân này hầu như không xây dựng trên tình yêu chân chính. Bởi đa số họ là con nhà nghèo, cuộc sống thiếu thốn, lấy chồng ngoại để hy vọng đổi đời...

Bà Jeong Mi Sook - Phó Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết: “Nhiều phụ nữ khi qua Hàn Quốc có cuộc sống hạnh phúc nhưng vẫn còn một số trường hợp gặp khó khăn, không thích nghi được với sinh hoạt gia đình nhà chồng, hoặc bất đồng ngôn ngữ...”.

Thực tế khi qua bên Hàn Quốc, nhiều cô gái đã vỡ mộng vì lấy phải người chồng nghèo. Đó là những lao động ở nông thôn, khó lấy được vợ bên đó. Có cô thì bị môi giới lừa đảo, bị bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục, hành hạ, đánh đập… thậm chí dẫn đến nhiều cái chết thương tâm ở nơi đất khách quê người.

Ông Lê Phát Thanh - Trưởng phòng Hành chính- Tư pháp (Sở Tư pháp Cần Thơ) chia sẻ: “Chị em phụ nữ đi lấy chồng Hàn Quốc đa số đều nghèo, trình độ học vấn cũng như nhận thức thấp nên rất dễ bị lừa gạt. Ngoài ra, tâm lý phổ biến ở người dân nông thôn là lấy chồng lấy vợ do duyên số, nên nhiều chị em chỉ biết phó mặc cho số phận”.

Và hàng loạt vấn đề đã phát sinh, như hầu hết chị em trở về quê nhà không được gia đình nhà chồng cho mang theo bất cứ tài sản gì, kể cả nữ trang khi cưới. Nhiều người sau khi ly hôn phải trở về tay trắng, không nghề nghiệp, không vốn liếng... Hay như chị T.T.N.H, quê ở huyện Thới Lai, lấy chồng Hàn Quốc nhưng vợ chồng không hạnh phúc do bất đồng ngôn ngữ, gia đình chồng quá hà khắc...

Vì vậy, chỉ 2 tháng ở bên gia đình chồng, H đã bỏ trốn để tìm đường về nước. Bây giờ H đã có chồng, có con ở Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng bên Hàn Quốc, nên tới bây giờ H vẫn chưa được đăng ký kết hôn với người chồng hiện tại.

Bà Dương Thị Thu Hà - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.Cần Thơ, cho biết: “Từ năm 2008 đến năm 2010 đã thụ lý giải quyết tổng cộng 100 vụ ly hôn, trong đó có tới 65% các vụ ly hôn với một bên là người Hàn Quốc, và nguyên đơn đứng đơn xin ly hôn có tới 99% là phụ nữ Việt Nam!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem