Sáng mãi hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong "trận đánh lớn" chống dịch, cứu dân

Song Quỳnh Thứ tư, ngày 22/12/2021 07:00 AM (GMT+7)
Quân đội đã có những đóng góp rất lớn trong công tác hỗ trợ người dân về lương thực, thực phẩm; khám chữa bệnh; lo hậu sự cho người không may qua đời trong dịch Covid-19.
Bình luận 0

"Lính cụ Hồ" len lỏi từng con hẻm nhỏ để tặng quà và động viên các hộ F0

Vẻ đẹp của bộ đội Cụ Hồ - mối quan hệ máu thịt với dân

Đã 77 năm trôi qua, kể từ buổi chiều 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), 34 cán bộ và đội viên có mặt trong lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân giơ cao nắm tay thề dưới lá cờ đỏ sao vàng, nguyện vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Nói về bộ đội và vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ là nói về mối quan hệ máu thịt với nhân dân, bởi Quân đội ta là Quân đội nhân dân, Quân đội của dân, do dân, vì dân. Quân đội ta tận trung với Đảng, lại tận hiếu với dân. Đó là truyền thống cực kỳ quý báu, đồng thời, là niềm tự hào, là vinh dự, là tâm nguyện sâu sắc của mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong thời chiến, quân với dân chung một ý chí thà chết quyết không làm nô lệ, quyết tâm chiến đấu chống đế quốc xâm lược dù phải hy sinh, gian khổ. Quân đội ta sống cùng nhân dân, nguyện phục vụ nhân dân vô điều kiện, khi cần không ngại hy sinh để bảo vệ nhân dân. Qua đó, hình ảnh anh bộ đội càng ngời sáng, càng thân thương, cao quý. Có một tên gọi rất đúng, rất đẹp dành cho người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là "Bộ đội Cụ Hồ".

Trong thời bình, mỗi khi bão lũ tàn phá nhà cửa, đường sá, bộ đội là lực lượng xung kích lao xuống làn nước dữ cứu các cụ già, em bé, tiếp tế lương thực, thực phẩm, sửa chữa nhà cửa, cầu đường cho dân… 

Còn nhớ cơn lũ lớn năm 2020 ở Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế) với trận lở núi đột ngột đã cướp đi sinh mạng 13 cán bộ, chiến sĩ quân đội khi đang làm nhiệm vụ chống lũ, cứu dân; câu chuyện đó đến nay nhiều người vẫn nhớ và vẫn thương các anh…

Sáng mãi hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong "trận đánh lớn" chống dịch, cứu dân - Ảnh 3.

Bộ đội tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường sạt lở khiến 13 người mất tích ở Rào Trăng tháng 10/2020. Ảnh: CTV

Bộ đội Cụ Hồ sát cánh cùng dân chống dịch Covid-19...

Năm 2021, làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát. Từ tháng 4/2021, TP.HCM là tâm dịch của cả nước với con số mắc mỗi ngày lên tới hàng ngàn người… Tính chất ác liệt, tàn khốc chẳng khác gì một cuộc chiến tranh bằng súng đạn. Trên 100.000 bộ đội và dân quân đã lao vào trận đánh lớn chống dịch, cứu dân với nhiều nhiệm vụ cụ thể khác nhau như: Tham gia túc trực ở các điểm cách ly, truy vết, kiểm soát dịch tễ, vận chuyển và phân phối thuốc chữa bệnh, lương thực thực phẩm đến tận tay người dân. Có đơn vị nhường doanh trại để thành lập bệnh viện dã chiến. Bác sĩ, điều dưỡng quân y là thầy thuốc, đồng thời là nhân viên phục vụ, làm việc không kể ngày đêm. 

Theo Ban chỉ huy Quân sự Q.7, với bề bộn khó khăn trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, lực lượng vũ trang Q.7 đã chủ động vào cuộc đồng hành với lực lượng y tế. Hơn 5 tháng liên tục với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 16 và số 1, khu cách ly ở ký túc xá Trường ĐH Tôn Đức Thắng và 156 khu cách ly của Q.7.

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, cán bộ, chiến sĩ của Ban chỉ huy Quân sự Q.7 lại tiếp nhận thêm nhiệm vụ khâm liệm thi hài người dân không may qua đời do Covid-19 để đưa đi hỏa táng; đồng thời nhận tro cốt về bàn giao cho gia đình người thân. Đến nay đã khâm liệm, đưa đi hỏa táng 52 thi hài, tiếp nhận và bàn giao 585 tro cốt cho gia đình các nạn nhân… Ngoài ra, đơn vị còn tiếp nhận hàng chục người dân cơ nhỡ trên địa bàn để chăm lo ăn ở, sinh hoạt chu đáo, tận tình.

Sáng mãi hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong "trận đánh lớn" chống dịch, cứu dân - Ảnh 4.

Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 5, Quân khu 7 cùng lực lượng phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, sống thiếu thốn trong đại dịch Covid-19. Ảnh: M. Quỳnh

Trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy Quân sự Q.7, cho hay lực lượng của đơn vị cùng sát cánh với Liên đoàn Lao động Q.7 nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Xe tải chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm thường đến TP.HCM lúc nửa đêm, thậm chí 2 - 3 giờ sáng, các cán bộ, chiến sĩ phải trắng đêm xuống hàng để kịp chuyển đến tay bà con ngay ngày hôm sau.

"Đi thực tế mới thấy nhiều người dân có cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ làm việc bất kể ngày đêm, bỏ qua nỗi sợ hãi về dịch bệnh để vào các khu phong tỏa, tiếp ứng hàng hóa tận cửa nhà dân. Địa bàn Q.7 có nhiều khu dân cư cao cấp, tuy nhiên có những hộ dân cất nhà nơi heo hút, phải đi thực tế mới biết họ đang mắc kẹt, kêu cứu ở đâu đó trên địa bàn", trung tá Hừng chia sẻ và nhớ lại: "Được tự tay trao các gói an sinh cho người lao động, gia đình neo đơn, em nhỏ, cụ già lớn tuổi, bệnh tật, bị cách ly…, tôi cảm thấy thật vui sướng. Giống như tôi đang chăm lo cho chính người thân của mình, bao vất vả mệt nhọc như tan biến".

Sáng mãi hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong "trận đánh lớn" chống dịch, cứu dân - Ảnh 5.

Các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 6, Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Bộ Quốc phòng) và các chiến sĩ dân quân tự vệ thu hoạch lúa giúp người dân. Ảnh: M. Quỳnh

Nhìn lại "cuộc chiến" chống dịch vừa qua, Thượng úy Phạm Xuân Chiến - đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7, cho biết trong đợt giãn cách, đơn vị được phân công về phường 15, quận 10 với 15 chiến sĩ cùng 3 nhiệm vụ chính: Canh giữ chốt, tuần tra và mua hàng hộ, phát nhu yếu phẩm cho người dân.

"Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, điều hành của địa phương. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận và cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Luôn trong tinh thần sẵn sàng hỗ trợ bà con nhân dân, xác định chống dịch như chống giặc. Chúng tôi sẽ tìm tới dân trước khi dân tìm tới chúng tôi"-thượng úy Chiến chia sẻ.

Trên mặt trận không tiếng súng ấy, có những chiến sĩ đã bị lây nhiễm, sau khi điều trị hết bệnh lại tiếp tục phục vụ nhân dân; có người bị mắc Covid-19 nhưng không thể qua khỏi, họ hy sinh một cách thầm lặng, vẻ vang và cao quý.

... và chiến đấu bằng mệnh lệnh của trái tim

Tối 19/12 vừa qua, trong chương trình giao lưu nghệ thuật "Nghĩa tình quân dân" và tôn vinh các điển hình trong phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra tại hai điểm cầu Hà Nội và TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ: "Trong trận chiến với dịch Covid-19, bộ đội không chỉ chiến đấu bằng mệnh lệnh của người chỉ huy mà còn chiến đấu bằng mệnh lệnh của trái tim. 

Bộ đội đã đến với người dân lúc người dân khó, người dân khổ, lúc người dân đau bệnh, lúc người dân đối diện với sống chết và thậm chí là lo cho người dân không may mất đi. Trong lịch sử quân đội sẽ có những trang mới rất đáng tự hào về bộ đội giúp dân chống dịch, về hình ảnh sáng đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đi giữa màu đỏ của tâm dịch để hòa nhập cùng đồng bào vượt qua khó khăn, thử thách.

Hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ không ngại hiểm nguy, gác lại nỗi niềm riêng tư để thực hiện trách nhiệm phụng sự nhân dân.

Những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, cần mẫn hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch, đi chợ, phục vụ trong khu cách ly, canh gác các điểm dịch, cứu chữa người bệnh... bằng tất cả tấm lòng, trái tim chan chứa tình người".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem