NSND Bạch Tuyết sinh năm 1954 tại An Giang. Năm 9 tuổi, Bạch Tuyết gặp cú sốc lớn khi mẹ đột ngột qua đời. Sau đó, bà tự lập kiếm sống, đi hát ở nhà hàng ca nhạc bằng những bài tân nhạc.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vở cải lương kinh điển "Thái hậu Dương Vân Nga".
Cuộc gặp gỡ với cố nghệ sĩ Thanh Nga
Bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời Bạch Tuyết chính là cuộc gặp gỡ với cố nghệ sĩ Thanh Nga. Thuở ấy, Thanh Nga đã khuyên Bạch Tuyết rằng: “Cưng đi hát đi, chị tin rằng cưng sẽ thành công trong nghề nghệ thuật đó”. Đó cũng chính là động lực to lớn giúp nữ nghệ sĩ bước qua sự phản đối quyết liệt của cha và ông bà để đứng trên sân khấu, theo đuổi nghiệp diễn.
Sau cuộc gặp gỡ với cố nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết được soạn giả Điêu Huyền biết đến. Ông nhận Bạch Tuyết làm con nuôi và đã đến tận nhà để xin cho bà đi theo đoàn hát. Khi ấy Bạch Tuyết mới bước sang tuổi 16. Có bố nuôi đỡ đầu, tên tuổi Bạch Tuyết bắt đầu phủ sóng rộng rãi trên các đài phát thanh, báo chí…
Năm 1961, đoàn Kiên Giang diễn vở "Lá thắm chỉ hồng", cô đào chính tới trễ, khiến Bạch Tuyết bất ngờ được giao vai cô lái đò Lệ Chi, diễn xuất của bà khiến khán giả hết sức ngạc nhiên. Sau đó là vở "Kiếp chồng chung", "Suối mơ rền áo cưới",... Bà được Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất, với vở "Tiếng hát Muồng Tênh", tên tuổi bà bắt đầu nổi đình đám.
Cuối năm 1962, Bạch Tuyết vào đoàn Bạch Vân. Năm sau, bà nhận được Giải Thanh Tâm cho Diễn viên triển vọng.
Năm 1964, bà về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, hợp tác với các soạn giả danh tiếng bấy giờ là Hà Triều – Hoa Phượng, tài năng của bà càng được khẳng định. Năm sau, vở "Tần Nương Thất" đã mang lại cho bà huy chương vàng Giải Thanh Tâm cho Nghệ sĩ xuất sắc.
Năm 1966, Hùng Cường gia nhập đoàn Dạ Lý Hương, cùng với Bạch Tuyết tạo thành một cặp đôi hoàn hảo trong mắt khán giả. Bà ở lại đoàn Dạ Lý Hương thêm 2 năm nữa.
Sau năm 1968, tình hình chiến tranh lan rộng, Bạch Tuyết ngừng hát một thời gian. Đến năm 1971, bà cùng với Hùng Cường mở gánh hát Hùng Cường – Bạch Tuyết. Gánh hát này được rất đông người hâm mộ, tuy nhiên, do không biết cách quản lý, sau một thời gian đã ngưng hoạt động. Sau đó bà chuyển sang học Luật.
Năm 1985 (40 tuổi), Bạch Tuyết bước vào giảng đường đại học và có được bằng Cử nhân Ngữ văn.
Năm 1988, Bạch Tuyết được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, cũng năm này bà tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Viện Hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sofia.
Bạch Tuyết và Hùng Cường trong 1 đĩa nhạc.
Năm 1995, Bạch Tuyết bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á" và trở thành tiến sĩ nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam. Với tư cách Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển văn hóa – văn hóa dân tộc của Đại học Bình Dương, bà đã tổ chức nhiều chương trình sân khấu có giá trị về nghệ thuật dân tộc.
Luôn đau đáu với sự nghiệp phát triển cải lương, Bạch Tuyết ôm ấp kế hoạch xây dựng những “trường ca cải lương” và âm thầm bắt tay vào viết những trường ca chuyển thể từ tác phẩm Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Bút quan hoài (Á Nam Trần Tuấn Khải),…
Năm 2012, Bạch Tuyết được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND ở lần xét duyệt thứ 7 (năm 2011).
Bạch Tuyết từng diễn chung với nhiều kép, nhưng người đóng chung với bà để lại ấn tượng sâu sắc là Hùng Cường. Họ đã tạo nên cặp đôi "sóng thần" cực kỳ nổi tiếng vào thập niên 1960.
3 lần tự tử vì lý do… lãng xẹt
Nổi tiếng khi còn trẻ, Bạch Tuyết thừa nhận bà có thu nhập “khủng”. Năm 18 tuổi, bà đã có xe riêng, nhà riêng và tiền gửi ngân hàng. Sống ở đỉnh cao của danh vọng, cô gái 20 tuổi khi đó tự đặt câu hỏi “Sống để làm gì?”. Đó cũng là lý do khiến Bạch Tuyết tìm đến cái chết một cách lãng xẹt. Song lúc đó bà may mắn được cứu sống.
Lần thứ hai, trong một lần đi diễn về khuya, bà chứng kiến cảnh một cô gái làng chơi bị khách quỵt tiền, cướp ví và đánh cho đến chết. Cảnh tượng đó khiến bà dằn vặt lương tâm. Về nhà, bà tự dùng lưỡi dao lam cắt mạch máu của mình để tìm đến cái chết. Lúc này, một người bạn của bà đến nhà, phát hiện vụ việc nên đã đưa bà đi bệnh viện cấp cứu.
NSND Bạch Tuyết ở tuổi 74
Lần thứ ba, sau khi diễn xong một vở diễn, bà được khán giả chạy lên sân khấu ôm hôn, tặng hoa và chụp hình rất thắm thiết. Sự hạnh phúc tột cùng khiến cho bà nghĩ tới cái chết. Bà cho rằng, bây giờ mà chết còn được người hâm mộ yêu thương và tiếc nuối, mai này già cả, xấu xí, yếu đuối… lỡ có chết chưa chắc đã được người hâm mộ yêu thương như bây giờ. Và thế là bà lại tìm đến cái chết, nhưng cuối cùng vẫn được cứu sống.
“Qua 3 lần tìm đến cái chết với những lí do lãng xẹt, bây giờ, khi thấy những người nổi tiếng và tài hoa tìm đến cái chết, tôi không lấy đó làm ngạc nhiên. Bởi vì mỗi con người khi sinh ra, ai cũng có những cục bướu máu trong người phải tự giải quyết. Cục bướu máu đó chính là việc vượt qua những tổn thương của thời thơ bé, những áp lực của đời sống hiện tại và cả những khổ ải của kiếp người trần gian.
Và đó cũng là lí do tại sao tôi luôn luôn thích được trò chuyện với những đứa trẻ mồ côi. Những đứa trẻ bị khuyết tật về thể xác còn khiến người đời nhìn thấy mà giúp đỡ nhưng những đứa trẻ bị tổn thương tinh thần không ai nhìn thấy mà giúp cả. Nhưng sự tổn thương về tinh thần còn đáng sợ hơn là khuyết tật về thể xác… bởi nó cứ ám ảnh, đeo đẳng mãi trong tâm trí con người ta”, NSND Bạch Tuyết bộc bạch.
NSND Bạch Tuyết cho rằng, bà chỉ dập tắt ý đồ tự tử khi đọc được cuốn sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Cuốn sách này đã giúp bà trả lời được câu hỏi “Tại sao mình ở đây?” và “Sống để làm gì?”.
Tình duyên lận đận
Trái ngược với sự nghiệp thành công, con đường tình duyên của Bạch Tuyết lại không hề suôn sẻ. Bà đã trải qua 2 cuộc hôn nhân nhưng đều đứt gánh giữa đường. Ở cái tuổi xế chiều, bà lặng lẽ một mình nhưng luôn mỉm cười. Với bà, cuộc sống lúc này đã tròn đầy. Bà đã có một sự nghiệp thành công, một cậu con trai và một cuộc sống an nhàn ở tuổi già.
Về người chồng đầu tiên của Bạch Tuyết là danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Thời điểm đó, chuyện tình của cặp đôi gây chấn động Sài Gòn. Cả hai yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên và mối tình sét đánh ấy mang đến cuộc hôn nhân đẹp của làng giải trí.
Bạch Tuyết cho hay, bà và chồng đều là những người nổi tiếng nên công việc rất bận rộn, ít có thời gian cho nhau. Vì vậy, tình cảm của cả hai dần trở nên lạnh nhạt.
Chồng thứ hai của Bạch Tuyết là Charles Đức, quốc tịch Pháp. Ông là người tài năng khi có 2 bằng Tiến sĩ kinh tế ở Pháp và Tiến sĩ luật học ở Hà Lan.
"Bà hoàng" cải lương bên con trai Bảo Giang
'Bước vào cuộc hôn nhân thứ 2, Bạch Tuyết đã được làm mẹ, khi ấy bà 29 tuổi. Bạch Tuyết nói rằng, cuộc hôn nhân thứ 2 đã mang đến cho bà nhiều điều, một đứa con xinh xắn và giúp bà hiểu được giá trị của tri thức.
“Khi gặp tôi, anh đã nói những lời khó nghe: “Cô là người quá tên tuổi trong lòng công chúng, nhưng trình độ thì chưa xứng đáng với cô. Đó là bi kịch của người nghệ sĩ. Tôi muốn tạo điều kiện để cô lấp đầy khoảng trống kiến thức ấy”. Nghe xong, tôi choáng váng vì cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi thấy anh là người trung thực ngay thẳng. Lúc này, tôi nhận ra một phần giá trị của con người là học vấn”, Bạch Tuyết kể.
Khi nhắc về người chồng thứ 2, Bạch Tuyết luôn gọi ông một cách trìu mến “anh Ba Đức”. “Nhờ anh mà tôi được mở mang kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Anh cũng giúp tôi hiểu giá trị của tri thức, bước vào một thế giới với những điều kỳ diệu”, bà nói.
Dù rất hoà hợp nhưng cuộc hôn nhân thứ 2 của Bach Tuyết cũng khép lại khiến khán giả tiếc nuối. Họ chia tay trong nhẹ nhàng, không ồn ào. Có lẽ quả ngọt cuối cùng mà Bạch Tuyết có được chính là con trai Bảo Giang. Cậu sang nước ngoài học tập khi 12 tuổi. Đến nay, Bảo Giang đã lập gia đình và có 3 người con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.