CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim) do ông Trần Anh Vương (Shark Vương) làm Chủ tịch HĐQT đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết
Công ty “Shark Vương” đứng trên bờ vực bị huỷ niêm yết
Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội mới đây đã gửi văn bản yêu cầu CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim – mã chứng khoán TH1) do ông Trần Anh Vương (Shark Vương) làm Chủ tịch HĐQT phải báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết.
Cụ thể, ngày 23.2.2018, Sở GDCK Hà Nội đã nhận được BCTC kiểm toán năm 2017 của Generalexem. Sau khi xem xét Sở GDCK Hà Nội nhận thấy kết quả kinh doanh của Generalexem đã lỗ 3 năm liên tiếp 2015, 2016 và 2017 với con số lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp vượt 410 tỷ đồng. Lớn hơn vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2017. Điều này khiến cổ phiếu TH1 rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định.
Một vài chỉ số kinh doanh của Generalexem, mã TH1 trong quá khứ (Ảnh: I.T)
Kết quả kinh doanh của Generalexem theo BCTC năm 2017, công ty này đạt doanh thu 206,5 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2016. Dù cố gắng trong, công ty này cũng mới thực hiện được 1/3 kế hoạch doanh thu đặt ra đầu năm 2017.
Do chi phí hoạt động lớn nên năm 2017 công ty đã thua lỗ 142 tỷ đồng. Mức lỗ này cũng được cho là gấp tới 14 lần so với kế hoạch năm 2017 đề ra là lỗ 10 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2016, Generalexim cũng thua lỗ tới 133,7 tỷ đồng dù doanh thu là 307 tỷ đồng. Năm 2015, công ty này đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng nhưng lỗ tới 134,4 tỷ đồng.
Trên BCTC kiểm toán của công ty, kiểm toán viên nêu vấn đề cần nhấn mạnh về số nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 220 tỷ đồng; lỗ lũy kế trên BCTC hơn 276,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 92,8 tỷ đồng và toàn bộ các khoản vay vốn ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ không có khả năng thu hồi tăng lên…
Cơ cấu nợ của TH1 bị Viettinbank rao bán tính tới ngày 30.11.2017 (Ảnh: Zing)
Ngoài ra, cùng nợ thuê tài chính của Generalexim hiện đã lên 679,3 tỷ, trong đó khoản vay ngắn hạn bằng VND và ngoại tệ là 650,48 tỷ đồng. Công ty này cũng còn khoản nợ xấu phát sinh từ 12 đơn vị, doanh nghiệp lên tới 331 tỷ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, những yếu tố này cho thấy tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Còn trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TH1 của Generalexim gần như “nằm im” ở mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 tháng qua. Dù có thời điểm lên 5.500 đồng/cổ phiếu hay 5.900 đồng/cổ phiếu song sau đó giá trị giao dịch lại quay về mức 5.000 đồng/cổ phiếu.
Tham vọng thâu tóm cổ phần Protrade Corp
Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT Generalexim, ông Trần Anh Vương (Shark Vương) còn được biết tới với vai trò là lãnh đạo điều hành tại hàng loạt công ty lớn nhỏ. Một doanh nghiệp do Shark Vương điều hành là CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom - SAM Holding (SAM) mới đây đã nộp đơn để trở thành một trong 3 nhà đầu tư muốn tham gia vào cổ phần hóa Tổng Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) với mục tiêu trở thành cổ đông chiến lược.
Quý III.2017, SAM Holdings từng báo lỗ 3 tỷ đồng (Ảnh: I.T)
Về kết quả kinh doanh, năm 2017, SAM đạt doanh thu 2.222 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Tuy nhiên giá vốn tương ứng tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp của SAM đạt 194 tỷ, tăng tương đối so với cùng kỳ.
Trong khi đó, doanh thu tài chính Công ty tăng đột biến từ mức 65 tỷ lên 238 tỷ đồng, tương đương tăng gần 4 lần. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính theo đó đạt đến 68 tỷ đồng, trong khi năm ngoái thua lỗ hơn 1 tỷ.
Kết quả là, lợi nhuận sau thuế năm nay SAM đạt hơn 114 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 21 tỷ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tương ứng đạt 109,7 tỷ, gấp hơn 5 lần.
Mặc dù tăng trưởng tốt, song so với chỉ tiêu 2.531 tỷ đồng doanh thu, SAM chỉ mới thực hiện được 88% kế hoạch. Ở chiều ngược lại, lợi nhuận trước thuế cả năm ghi nhận 143 tỷ đồng, vượt xa so với con số kế hoạch là 106 tỷ.
Tổng tài sản của CTCP SAM Holdings năm 2017 đạt 4.366.840 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 2.396.035 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của SAM.
Liên quan tới 2 doanh nghiệp còn lại có tham vọng trở thành cổ đông chiến lược của Protrade Corp là CTCP Đầu tư U&I và Công ty TNHH Phát Triển.
Có một điểm dáng chú ý là Chủ tịch HĐQT tại U&I hiện nay là ông Mai Hữu Tín, người đồng thời là Phó chủ tịch tại KienLongBank (KLB) và Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Gỗ Trường Thành. Trong khi CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) mới đây đã nhận được sự đầu tư từ chính SAM Holdings.
SAM Holdings của Shark Vương sẽ phải chi ít nhất 1.440 tỷ đồng, tương đương 1/3 tài sản của công ty để thâu tóm cổ phần của Protrade Corp
Theo thông tin do Tổng Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp), việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28.3 tới đây tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo phương án cổ phần hóa, Xuất nhập khẩu Bình Dương có tổng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tương đương với 300 triệu cổ phần. Sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ khoảng 150 triệu cổ phần, tương đương 50% vốn tại đây.
Protrade Corp sẽ chào bán ra công chúng 30 triệu cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ ra công chúng với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần. Đối với lượng vốn chào bán cho cổ đông chiến lược, Protrade Corp dự kiến bán khoảng 120 triệu cổ phần, tương đương 39,91% vốn cho các Nhà đầu tư chiến lược với mức giá không thấp hơn mức giá IPO.
Như vậy, công ty của Shark Vương sẽ phải chi ít nhất 1.440 tỷ đồng, tương đương với 1/3 tài sản của SAM Holdings để ôm trọn gần 40% cổ phần tại Protrade Corp trong lần đấu giá này.
Hiện tại, Tổng công ty Sản xuất- Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV (Protrade Corp) đang quản lý, sở hữu 9 công ty cổ phần, 5 công ty liên doanh liên kết trong nước, nước ngoài và 8 công ty con, xí nghiệp, nông trường trực thuộc với 10.000 lao động.
Đáng chú ý, Protrade Corp đang sở hữu Công ty Sân Golf Palm Sông Bé có diện tích lên tới 1,04 triệu m2 với thời hạn thuê đất đến năm 2042. Ngoài ra, tổng công ty còn đang sở hữu 30% cổ phần trong Công ty Đầu tư và Phát triển Tân Thành - đơn vị đang vận hành sân golf Thái Hoà với diện tích đất 1,45 triệu m2, thời hạn thuê tới năm 2056.
Là một trong 3 doanh nghiệp sở hữu nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương, Protrade Corp còn sở hữu nhiều khu đất lớn, có vị trí chiến lược. Chẳng hạn, khu đất vành đai sân golf với diện tích 16.583m2, Nhà máy nước đá Dĩ An diện tích 2.154m2, Nhà máy giấy Vĩnh phú với diện tích 45.653m2. Đây là các khu đất được thuê trả tiền hàng năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.