Sắp chiến thắng Covid-19, Mỹ bị biến thể Delta kéo tụt lại

Đăng Nguyễn - CNN Thứ năm, ngày 15/07/2021 12:55 PM (GMT+7)
Nước Mỹ có thời điểm đứng trước cơ hội đánh bại hoàn toàn dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên do nhiều lý do mà Mỹ lại phải tiếp tục cuộc chạy đua chống dịch.
Bình luận 0

img

Tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đang chậm nhất kể từ tháng 1.

Nước Mỹ đang trong cuộc chạy đua tiêm chủng và sự lây lan của biến thể Delta, bác sĩ Sanjay Gupta, phó giám đốc dịch vụ phẫu thuật thần kinh tại bệnh viện Grady Memorial ở Atlanta, bang Georgia, phó giáo sư phẫu thuật thần kinh tại trường y Đại học Emory và là cây viết trên đài CNN, nói.

“Đã từng có lúc tôi rất mong chờ được ăn mừng chiến thắng đại dịch Covid-19. Nước Mỹ từng có giai đoạn ghi nhận số ca nhiễm mới giảm xuống gần 10.000, gần đạt mốc để có thể tuyên bố chiến thắng đại dịch. Chúng ta từng đến rất gần, với 11.299 ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận vào cuối tháng 6”, bác sĩ Gupta nói.

Nhưng biến thể Delta khiến số ca nhiễm tăng trở lại, trong khi tốc độ tiêm chủng ngày càng giảm. So với tuần trước, số ca nhiễm Covid-19 trung bình ở Mỹ đã tăng gấp đôi. Riêng trong ngày 14.7, số ca nhiễm tăng gấp 3, lên tới 35.447 ca.

Tất cả các chỉ số đều cho thấy dịch bệnh đang bùng phát trở lại ở Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia có lượng vaccine dồi dào hàng đầu thế giới, điều mà nhiều nước đang vất vả chống dịch hằng mong muốn.

“Cách tốt nhất để đối phó dịch bệnh và quay trở lại cuộc sống bình thường là tiêm vaccine. Nhưng những gì người Mỹ đang thiếu là ý chí sẵn sàng”, bác sĩ Gupta nói.

Có lẽ nhiều nơi ở Mỹ chưa được phổ biến một cách đầy đủ về tầm quan trọng của vaccine, cũng có thể là họ hiểu sai thông điệp về vaccine.

Trên thực tế, vaccine hoàn toàn không có vấn đề gì và là công cụ hữu hiệu nhất, bác sĩ Gupta nói. Theo một nghiên cứu mới đây, vaccine Covid-19 đã giúp cứu sống khoảng 280.000 người Mỹ và giúp 1,25 triệu người tránh khỏi nguy cơ nhập viện.

Vaccine không chỉ bảo vệ người được tiêm mà còn cả những người xung quanh, bao gồm cả trẻ em dưới 12 tuổi, nhóm tuổi mà các chuyên gia vẫn đang cân nhắc việc cần tiêm vaccine hay không.

img

Người dân Mỹ đã quen với việc ra đường đeo khẩu trang.

Để đạt mức miễn dịch cộng đồng, bảo vệ nhóm thiểu số có nguy cơ nguy kịch vì Covid-19, cần khoảng 70% người dân Mỹ tiêm chủng đầy đủ. Đó là lúc dịch bệnh dần dần tự biến mất, theo bác sĩ Gupta.

Một công dụng khác của vaccine là bảo vệ trực tiếp khỏi các biến thể có thể xuất hiện trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, biến thể Delta đang chiếm đa số ca nhiễm mới ở Mỹ. Nhưng nếu không hành động, ngày càng có khả năng các biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện.

Một khi tiêm vaccine, cơ thể người không còn là "nhà máy sản xuất virus", qua đó làm giảm đáng kể nguy cơ xuất hiện biến thể mới, bác sĩ Gupta giải thích.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân Mỹ vào ngày 4.7. Nhưng mục tiêu này không những không đạt được, mà số người tiêm vaccine đang ngày càng giảm sút.

Hiện chỉ có 59% người dân Mỹ tiêm ít nhất một mũi vaccine và 48% tiêm đầy đủ hai mũi, theo số liệu thống kê mới nhất.

Nhưng con số này không phản ánh đúng tình hình tiêm chủng ở Mỹ. 5 bang có tỉ lệ người tiêm vaccine cao nhất ở Mỹ mới chỉ đạt 60%, tức là chưa qua ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng. 5 bang có tỉ lệ thấp nhất chỉ có chưa tới 36% số người tiêm vaccine.

Các dữ liệu thống kê ở Mỹ cho thấy, 99,5% số ca tử vong vì Covid-19 trong 6 tháng đầu năm nay là ở người chưa tiêm chủng. Đó thực sự là điều đau lòng mà lẽ ra đã có thể ngăn chặn được, theo bác sĩ Gupta.

Giám đốc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), Rochelle Walensky, nói đây là “thảm kịch”, “vì những tổn thất này lẽ ra có thể phòng ngừa được”.

Tốc độ tiêm chủng đang chậm hơn bao giờ hết ở Mỹ. Trung bình có 282.143 người ở Mỹ đạt mức “tiêm chủng đầy đủ” mỗi ngày, thấp nhất kể từ cuối tháng 1. Đây cũng là mức giảm 50% so với tuần trước. Ở giai đoạn đỉnh vào tháng 4, nước Mỹ có 1,8 triệu người được tiêm chủng đầy đủ mỗi ngày.

Theo bác sĩ Gupta, biến thể Delta đã được chứng minh là có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 2-3 lần so với virus SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc.

Kết hợp với tốc độ tiêm chủng đáng lo ngại, sự trỗi dậy của biến thể Delta ở Mỹ là điều sớm muộn cũng xảy ra.

“Không thể vừa mong bỏ khẩu trang mà lại không tiêm vaccine. Không làm như vậy được”, bác sĩ Jonathan Reiner, giáo sư y khoa tại Đại học George Washington, nói trên CNN.

Bác sĩ Barney Graham, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) và là một trong những nhà phát triển vaccine Moderna, đưa ra nhận định đáng lo ngại hơn.

“Vấn đề ở Mỹ không còn là tiêm vaccine hay không tiêm, mà là tiêm vaccine hay bị nhiễm bệnh”, bác sĩ Graham nói với CNN.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem