Sắp đối thoại vụ hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm ở Vĩnh Long gửi đơn "cầu cứu" ngành chức năng

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 06/06/2024 13:18 PM (GMT+7)
Theo kế hoạch, chiều nay 6/6, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ (Vĩnh Long) Phan Thị Mỹ Hạnh sẽ chủ trì cuộc đối thoại với hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm xã Bình Hòa Phước.
Bình luận 0

Việc đối thoại diễn ra sau khi hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long bị chết rụi trong thời gian dài gửi đơn "cầu cứu" đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp, giúp đỡ.

Sắp đối thoại vụ hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm ở Vĩnh Long gửi đơn "cầu cứu" ngành chức năng- Ảnh 1.

Người dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cưa bỏ vườn chôm chôm. Ảnh: A.P

Trước đó, ngày 2/5, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh đã có cuộc họp với hàng chục hộ dân ở xã Bình Hòa Phước để giải quyết khó khăn, thiệt hại của người dân trồng cây ăn trái.

Trong cuộc họp, bà Hạnh đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn người dân nuôi lươn quy trình xử lý nước thải trước khi cho ra môi trường.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thành lập đoàn công tác, khảo sát tìm hiểu nguyên nhân gây ảnh hưởng cây trồng, thống kê thiệt hại. Song song đó là đóng các giếng khoan của cơ sở nuôi lươn.

Sau khi có kết quả, sẽ mời nông dân tìm hướng giải quyết, khắc phục cây trồng bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Cho rằng, việc can thiệp, xử lý của ngành chức năng địa phương chưa đủ mạnh, chưa giải quyết triệt để vấn đề nguồn nước vẫn bị ô nhiễm. Theo đó, cây sầu riêng, chôm chôm cũng như các loại cây trồng khác vẫn bị vàng lá, chết dần theo thời gian.

Sắp đối thoại vụ hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm ở Vĩnh Long gửi đơn "cầu cứu" ngành chức năng- Ảnh 3.

Vườn chôm chôm chết dần từng ngày ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: A.P.

Trước tình hình trên, hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước đã gửi đơn "cầu cứu" đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp, giúp đỡ.

"Các hộ nuôi lươn đã được tập huấn về phương án nuôi và cách xử lý nước thải nhưng đến nay nguồn nước thải này vẫn đưa trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của bà con và đặc biệt trong nông nghiệp, có nhiều vườn bị thiệt hại 100%" - người dân nói trong đơn "cầu cứu" gửi đến chính quyền địa phương.

Trong đơn, người dân đề nghị xử phạt và xóa bỏ các giếng khoan nước ngầm đang hoạt động để phục vụ nuôi lươn, bởi việc làm này chưa được cấp phép sử dụng. Nhờ ngành chức năng có liên quan xem xét, có chi phí hỗ trợ cho người dân trồng cây ăn trái bị thiệt hại như đã nêu ở trên.

Như Dân Việt đã thông tin, trong vài tháng qua, người dân ở xã Bình Hòa Phước bất ngờ khi nhiều vườn cây ăn trái (chủ yếu là sầu riêng và chôm chôm) chết bất thường, gây thiệt hại quá nặng nề.

Do thiệt hại kéo dài và không khắc phục được, người dân đã mời cán bộ UBND xã Bình Hòa Phước đến kiểm tra mẫu nước. Kết quả, độ mặn trong các mương vườn được đo vừa qua là 0.3‰.

Từ kết quả kiểm tra mẫu nước, người dân hiểu rằng, nguồn nước vốn nhiễm mặn từ lâu. Do không hay biết, người dân đã lấy nước nhiễm mặn tưới cây, dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Theo người dân, không chỉ ở mức 0.3‰, có lúc độ mặn trong các con mương vườn đỉnh điểm lên đến 0.7 hoặc 0.8‰.

Do nguồn nước đầu nguồn dẫn vào khu vườn của người dân xã Bình Hòa Phước là nước ngọt. 

Vì vậy, người dân nghi ngờ việc miễn mặn là do nguồn nước ngầm phục vụ nuôi lươn ở địa phương bị nhiễm mặn và do trong quá trình nuôi có sử dụng muối khử khuẩn các bể.

Người dân sau đó đã gửi đơn phản ánh đến ngành chức năng huyện Long Hồ. Kết quả ngành chức năng xác định, nguồn nước ngầm được lấy lên từ giếng khoan để nuôi lươn tại xã Bình Hòa Phước bị nhiễm mặn. 

Điều đáng nói là nguồn nước nhiễm mặn này được xả trực tiếp ra các con sông công cộng, rồi dẫn vào các con mương đang trồng cây ăn trái.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem