Sắp hết thời gian đăng ký nguyện vọng 2022: Thí sinh “chùn chân” vì học phí
Sắp hết thời gian đăng ký nguyện vọng 2022: Thí sinh “chùn chân” vì học phí
Thiên An
Thứ sáu, ngày 19/08/2022 19:00 PM (GMT+7)
Trong số những thí sinh do dự chưa đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học 2022 có những em cho biết, lý do chưa chốt nguyện vọng là do đắn đo về học phí.
Nguyễn Lan Phương tốt nghiệp THPT ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cho biết, em đăng ký xét tuyển sớm bằng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực vào ngành Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuối tháng 7, Phương Anh đã biết mình trúng tuyển vào trường qua tra cứu kết quả trên cổng tuyển sinh. Với tổ hợp xét tuyển D01 (Toán, Văn, Anh) nữ sinh này dự định đăng ký thêm ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Thương mại và ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Luật xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nữ sinh cũng đặt nguyện vọng vào hai trường khác ít "hot" hơn.
Lan Phương yêu thích ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Kinh tế và chờ thêm cơ hội vào Đại học Thương mại, tuy nhiên Phương cho biết đến giờ em vẫn chưa chốt nguyện vọng dù chưa đầy một ngày nữa hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GDĐT sẽ dừng tiếp nhận việc đăng ký. Lý do là vì học phí.
Tại hội nghị Giám đốc Sở GDĐT năm 2022 tổ chức hồi tháng 6, Giám đốc Sở GDĐT tại nhiều tỉnh, thành cho rằng việc tăng học phí gây khó khăn cho nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng nông thôn, kinh tế chưa phát triển.
"Em có đọc thông tin đề án tuyển sinh của trường và thấy mức học phí cho hệ đại học chính quy của Đại học Kinh tế tăng hơn 20% so với năm 2021, từ 35 triệu lên tới 42 triệu trong năm nay, chưa kể là những năm sau đó học phí tăng mỗi năm thêm 2 triệu", Lan Phương nói rằng gia đình cô bố mẹ đều làm nông, nhà có 3 chị em ăn học, trước cô có một anh trai đang học đại học. Nữ sinh e rằng mức học phí này là gánh nặng đối với gia đình.
Lan Phương bối rối vì ở cả Đại học Thương mại, học phí cho hệ đại trà cũng tăng. Nữ sinh này như có phần "chùn chân", không biết có nên rẽ sang một ngành mà mình không thích bằng.
Càng đến thời điểm sát mốc kết thúc đăng ký nguyện vọng, Phan Đăng (Hà Tĩnh) lại càng cảm thấy "đầu óc rối tung". "Em đang đứng giữa những lựa chọn về học phí và nguyện vọng phù hợp nên vẫn chưa thể chốt được", Phan Đăng nói.
Do hoàn cảnh gia đình, mặc dù đã xác định nếu đỗ đại học, nam sinh sẽ đi làm thêm để lấy tiền chi trả cho chi phí sinh hoạt và một phần học phí nhưng khi lướt qua trang web của các trường đại học, đọc được dòng "Học phí sẽ tăng ở các năm tiếp theo với lộ trình…" là tâm trạng của Đăng lại chùng xuống.
Việc tăng học phí là điều dễ hiểu khi các trường đang tiến tới tự chủ, song theo Đăng, dịch Covid-19 vừa lắng xuống, không chỉ riêng gia đình Đăng mà nhiều gia đình khác cũng còn đang khó khăn. Học phí tăng mạnh lại càng làm đường đến giảng đường của nam sinh thêm phần gập ghềnh.
Năm 2022, Đăng dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ngành Kinh tế của một số trường đại học ở Hà Nội.
Chia sẻ với Dân Việt, Lê Thị Dung (Phú Thọ) hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học Dược Hà Nội cho biết, năm 2022, em trai cô đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường Đại học Dược Hà Nội. Tuy nhiên, khi mức thu học phí ở ngành Hóa dược cô đang học tăng lên thành 18,5 triệu đồng/năm thì Dung khuyên em cân nhắc về việc chọn… trường, ngành khác vì trong năm học 2022-2023, học phí nhiều ngành của trường đều tăng cao. Khối ngành Y Dược vốn là "điểm nóng" tăng học phí phi mã khiến dư luận xôn xao trong thời gian vừa qua.
Có nên đổi nguyện vọng sang trường không tăng học phí?
Trước câu hỏi của thí sinh về việc có nên đổi nguyện vọng chuyển sang các trường không tăng học phí, trong buổi giao lưu "Hạn cuối đăng ký xét tuyển đại học: Có nên điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng?", ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM cho rằng, xu hướng tự chủ đại học đang trở nên phổ biến nên hiện nay các trường chưa tự chủ tài chính còn lại rất ít. Thí sinh nên lưu ý là các ngành ở trường chưa tự chủ tài chính năm nay điểm chuẩn có thể sẽ tăng vì sẽ phải tính đến bài toán học phí khi xét tuyển.
Còn TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM nhận định, trên lộ trình tự chủ đại học, nhiều trường đại học công lập đã phải tăng học phí trong năm học 2022-2023.
Vì vậy, để có thể đáp ứng yêu cầu tăng học phí ở một số ngành, một số trường, thí sinh trúng tuyển có thể tìm các nguồn học bổng hỗ trợ của chính trường đó hoặc các tổ chức cấp học bổng, đồng thời tìm hiểu và làm thủ tục vay tín dụng ở ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài ra, trong thời gian học tại trường, sinh viên có thể tìm thêm các việc làm phù hợp để có thêm chi phí trang trải cho việc học tập.
Học phí đại học đồng loạt -tăng vọt-- Phụ huynh, sinh viên lo lắng. Clip VTC Now
Vui lòng nhập nội dung bình luận.