Sắp lên sàn HOSE, Tiên Sơn Thanh Hóa có kết quả kinh doanh suy giảm

Quang Dân Thứ bảy, ngày 06/03/2021 06:42 AM (GMT+7)
Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) thông báo ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu Công ty Cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa (Mã: AAT) là vào 24/3.
Bình luận 0

Cổ phiếu AAT sẽ chào sàn HOSE với giá tham chiếu 10.600 đồng/CP 

Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) thông báo ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu Công ty Cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa (Mã: AAT) là vào 24/3. Khối lượng niêm yết 34,8 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ 348 tỷ đồng.

Giá tham chiếu phiên chào sàn là 10.600 đồng/cp, tương đương mức định giá 369 tỷ đồng. Với biên độ dao động 20% trong ngày đầu tiên, giá cổ phiếu biến động trong khoảng 8.480 – 12.720 đồng/cp.

Như vậy, so với mức giá được HĐQT đưa ra trong thông báo vào cuối tháng 2 vừa qua là 11.000 đồng/CP, thì mức giá tham chiếu vừa công bố thấp hơn gần 4%.

Trước đó, tháng 8/2015, AAT từng nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), song đã xin rút hồ sơ với lý do để hoàn thiện các thủ tục tài liệu vào tháng 3/2016.

Sắp lên sàn HOSE, Tiên Sơn Thanh Hóa có kết quả kinh doanh suy giảm - Ảnh 1.

Tiên Sơn Thanh Hóa sẽ có phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE vào 24/3.

Theo tìm hiểu, tiền thân của ATA là Công ty TNHH Tiên Sơn Thanh Hóa được thành lập tháng 7/1995. Ban đầu, hoạt động chính của AAT là kinh doanh thương mại tổng hợp, mua bán vật liệu xây dựng, vận tải và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Ðến năm 2006, AAT bước vào mảng sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sau khi mua lại Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà tại Thanh Hóa và đến nay, ngành hàng này đã trở thành mảng kinh doanh chủ lực của Công ty. 

Sau 12 năm hoạt động, từ mức vốn điều lệ 550 triệu đồng, hiện nay vốn điều lệ của Tiên Sơn Thanh Hóa được nâng lên 348 tỷ đồng. Công ty liên tục đầu tư mở rộng sản xuất tại địa bàn các huyện thị, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa.

Hiện tại, trong hệ thống quản lý của AAT có 9 nhà máy may xuất khẩu, trong đó có 6 nhà máy được xây dựng tại địa bàn các huyện ở vùng nông thôn trong tỉnh Thanh Hóa, với giá trị đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của AAT là Mỹ (chiếm 60%), Hàn Quốc (chiếm 30%) và các nước khác chiếm 10%.

Kết quả kinh doanh gặp nhiều khó khăn

Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 14/5/2020, AAT có tổng 326 cổ đông, đều là cổ đông cá nhân trong nước, trong đó chỉ có một cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 9,87% cổ phần công ty là ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, tại thời điểm cuối quý I/2020, báo cáo của Tiên Sơn Thanh Hóa cho biết, ngoài ông Lâm, còn có 4 cổ đông lớn khác là bà Nguyễn Thị Dụ (7,75%) và các ông Trịnh Xuân Lượng, Trịnh Văn Dương và Trịnh Xuân Dưỡng với tỷ lệ 7,18% mỗi người.

Sắp lên sàn HOSE, Tiên Sơn Thanh Hóa có kết quả kinh doanh suy giảm - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu giảm trong 3 năm gần đây.

Về tình hình kinh doanh, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu giảm trong 3 năm gần đây. Giai đoạn 2018-2019, doanh thu xoay quanh 300 tỷ đồng, lợi nhuận giảm từ 24 tỷ về 21 tỷ đồng.

Sang năm 2020, AAT đạt doanh thu 287 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 16% so với mức thực hiện của năm 2019, đồng lời chỉ thực hiện được 82% và 40% kế hoạch đề ra.

Tình đến cuối năm 2020, tổng tài sản của AAT đạt 580 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt khoảng 20 tỷ đồng, hàng tồn kho 17 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 3 lần và giảm 29% so với con số đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 19%, ghi nhận 134 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là phải thu CTCP May Minh Anh Thọ Xuân hơn 61,5 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại thời điểm này giảm 18% so với đầu năm, xuống còn 155 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngắn hạn hơn 92 tỷ đồng (tăng 30%) và dư nợ dài hạn gần 63 tỷ đồng (giảm 47%).



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem