Theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích bưởi trên toàn tỉnh lên đến khoảng 4.500ha, chiếm 46% diện tích và 54% sản lượng bưởi cả nước. Trong đó, chỉ tính riêng huyện Bình Minh, hiện có 3.400ha bưởi Năm Roi, sản lượng bình quân ước đạt 30.000 tấn/năm.
|
Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đang đứng trước nguy cơ mất chứng nhận Global GAP. |
Nguy cơ mất chuẩn
Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa - ông Trần Văn Sang, cho biết: Toàn xã Mỹ Hoà (huyện Bình Minh) hiện có 1.220ha bưởi Năm Roi (mỗi ha cho 30 tấn trái/năm), với hơn 700 hộ trồng. Trong khi đó, HTX chỉ có 26 hộ áp dụng và đạt tiêu chuẩn Global GAP với 23ha, năng suất 30-40 tấn/ha/năm.
HTX muốn khuyến khích việc mở rộng diện tích trồng bưởi Global GAP bằng cách bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với giá thị trường. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn. Khó nhất là người dân với diện tích canh tác nhỏ lẻ, không có vốn để áp dụng tiêu chuẩn. Nhưng ngay những hộ đạt tiêu chuẩn, giờ cũng đang lo sốt vó!
Tháng 9.2008, Tổ chức Đánh giá thẩm định tiêu chuẩn quốc tế (SGS) tại Việt Nam chính thức cấp cho HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hoà chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP đối với 26 hộ tham gia với diện tích là 23,49ha.
Xã viên Nguyễn Văn Tấn bộc bạch: “Từ khi được công nhận Global GAP, hiệu quả phát huy khá tốt. 26 hộ xã viên vườn tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP đều tăng năng suất, giá bán tăng thêm 10-20%. Nhưng chẳng lẽ bao tâm huyết, vốn đầu tư làm Global GAP, giờ lại mất toi?”.
Nguyên nhân khiến 26 nhà vườn cùng Ban Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa lo là bởi chứng nhận Global GAP cho trái bưởi Mỹ Hòa đã quá hạn tái kiểm định để công nhận lại gần 2 năm. Tuy nhiên, muốn được công nhận lại thì tìm đâu ra đủ 8.000 USD làm chi phí?
Do thiếu vốn đầu tư cho nên sản lượng xuất khẩu bưởi Năm Roi của HTX này mỗi năm một giảm. Nếu như năm 2009 xuất được 600 tấn/năm thì năm 2010 chỉ xuất được 180 tấn. Còn nửa năm 2011 này HTX chỉ xuất được 36 tấn...
“Nhiều đối tác nước ngoài đặt hàng số lượng lớn bưởi Năm Roi tiêu chuẩn Global GAP nhưng chúng tôi không có khả năng đáp ứng. Vì HTX không có kho trữ nên mỗi lần xuất khẩu chỉ được vài thùng, kèm nông sản khác hoặc phải qua công ty trung gian…” - ông Sang than thở.
“Đá bóng” trách nhiệm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn một nguyên nhân khiến nông dân trồng bưởi do dự chưa làm theo Global GAP là giá tiêu thụ bưởi đạt chuẩn chỉ cao khoảng 1.000 đồng/kg so với bưởi cùng loại bên ngoài. Vả lại, sau khi áp dụng, sản lượng bưởi thu hoạch đạt chuẩn xuất khẩu vẫn thấp.
Thông thường, trong tổng số bưởi thu hoạch thì tỷ lệ đạt chuẩn chỉ từ 20-30%, những hộ canh tác giỏi đạt khoảng 40%... Số còn lại phải bán với giá như bưởi thường. Trong khi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn đối với nhà vườn canh tác trên diện tích nhỏ, nếu như không có sự hỗ trợ của các dự án, doanh nghiệp… thì khó lòng cứu vãn tình hình.
Ông Sang cho hay: “Nguy cơ mất thương hiệu Global GAP, lãnh đạo huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã biết hơn 1 năm qua và nhiều lần hứa hỗ trợ khoảng 4.000 USD để thực hiện việc tái công nhận nhưng đến nay có thấy gì đâu?”.
Trong khi đó, bà Phan Thị Bé - Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, lại cho rằng: “Việc mất thương hiệu Global GAP chủ yếu do ban chủ nhiệm HTX có vấn đề, không chịu làm! Chúng tôi đã vận động Sở KHCN hỗ trợ 5.000USD để xúc tiến việc xin gia hạn tiêu chuẩn Global GAP trong 1 năm, nhưng HTX không xúc tiến hồ sơ”.
Đức Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.