Bàn chuyện sáp nhập quận Hoàn Kiếm: "Thủ đô vốn là miếng vải đẹp, đừng vá chằng vá đụp"

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 01/08/2023 17:01 PM (GMT+7)
Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, Thủ đô cần những giải pháp khắc phục vấn đề tắc đường, ô nhiễm môi trường, cơ hội sinh kế, an sinh xã hội... trước khi vội vàng bàn chuyện sáp nhập quận Hoàn Kiếm hay các đơn vị hành chính khác.
Bình luận 0

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025.

Lập tức, thông tin này được không chỉ người dân Hà Nội mà cả nước đều quan tâm, bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, còn quận Hoàn Kiếm như là trái tim của Hà Nội.

Sáp nhập quận Hoàn Kiếm: "Thủ đô vốn là miếng vải đẹp, đừng vá chằng vá đụp"  - Ảnh 1.

Người dân đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hưng

Cần cân nhắc kỹ lợi, hại

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29km2, dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội. Tuy nhiên, thu ngân sách năm 2022 của quận lớn nhất, lên tới 12.500 tỷ đồng.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người. Trong 2 năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Sáp nhập quận Hoàn Kiếm: "Thủ đô vốn là miếng vải đẹp, đừng vá chằng vá đụp"  - Ảnh 2.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng không thể áp dụng công thức cơ học, cần cân nhắc kỹ vấn đề sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hưng

Trao đổi với Dân Việt chiều 1/8, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói "hơi giật mình" trước thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm.

Theo ông Dương Trung Quốc, thiết kế mô hình đơn vị hành chính cho sự phát triển là cần thiết. Tuy vậy, không thể áp dụng công thức một cách cơ học mà cần chia ra những khu vực mang tính chất đặc thù. 

"Có những địa phương cần được duy trì truyền thống của nó, chưa kể cần cân nhắc cái lợi, cái hại vì chúng ta rất rõ, chỉ cần một thay đổi nhỏ về địa giới hành chính thôi thì đi kèm với nó sẽ là rất nhiều chuyện phiền toái cho người dân", ông Quốc nói và đề nghị, đối với chủ trương lớn thì cần giải thích rõ cho người dân, đồng thời cân nhắc kỹ càng, tránh sự đảo lộn không cần thiết.

"Không nên, không được phép lấy Thủ đô làm nơi thí điểm cho bất kỳ mục đích gì"

Là người thấm đẫm văn hóa Hà Nội từ thuở nhỏ, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội quan tâm tới văn hóa và kiến trúc, luôn sẵn lòng góp ý kiến một cách tâm huyết và xây dựng trong tư cách một chuyên gia về đô thị. 

Trao đổi với Dân Việt về thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm, KTS Trần Huy Ánh dẫn lại lá thư được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết ngày 5/5/2008 (trước khi Quốc hội biểu quyết sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội), có đoạn: "Không nên, không được phép lấy Thủ đô làm nơi thí điểm cho bất kỳ mục đích gì".

Sáp nhập quận Hoàn Kiếm: "Thủ đô vốn là miếng vải đẹp, đừng vá chằng vá đụp"  - Ảnh 4.

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Ảnh: DV

KTS Trần Huy Ánh cho biết, năm 2023, Hà Nội lại bắt đầu điều chỉnh quy hoạch chung sau 10 năm công bố (2011-2021) quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 (gọi tắt là QHC 1259 ), đồng thời khẩn trương lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch 2017 và tuân thủ Quy hoạch tổng thể Quốc gia của Chính phủ. 

"Để lập các Quy hoạch này, các quận huyện đang triển khai lập Quy hoạch vùng quận, huyện. Do vậy nên chăng trong quá trình rà soát đánh giá Quy hoạch cũ, lập Quy hoạch mới… các quận huyện Hà Nội như quận Hoàn Kiếm có vội vàng bàn chuyện sáp nhập; hay Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức lập thành phố trong thành phố mà hãy làm rõ các mặt mạnh, yếu, chỉ ra động lực phát triển của từng địa phương mình (ngoài chuyện bán đất) và những giải pháp khắc phục tắc đường, ô nhiễm môi trường, cơ hội sinh kế, an sinh xã hội... 

Làm như vậy Thủ đô ta vốn là mảnh vải đẹp được giao cho các thợ may giỏi nên được tạo thành bộ đồ sang trọng, thay vì đưa anh thợ nghiệp dư, cắt hỏng rồi, may vá chằng vá đụp bởi những miếng vá mới thì rất uổng phí", KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem