Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều, quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp; kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách với người dôi dư sau sáp nhập…
Giảm đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức, bộ máy
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhằm nhiều mục tiêu như giảm đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức, bộ máy; tinh giản biên chế, giảm chi tiêu ngân sách...
Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Dẫn số liệu cho thấy có đơn vị hành chính diện tích rất lớn nhưng dân số ít như ở các tỉnh miền núi, hoặc có đơn vị hành chính diện tích nhỏ nhưng dân số rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng nhiều mặt nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý và khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận, lấy ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành.
Theo nghị quyết vừa thông qua, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những nơi có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030, sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Hơn 46.000 cán bộ huyện, xã dôi dư sau sáp nhập
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành nhưng nhiều ý kiến nhận định việc sắp xếp cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023 - 2030 đặt ra không ít thách thức, do số lượng thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2019-2021.
Liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, cơ quan thẩm tra cho rằng các quy định trong dự thảo đã thể hiện đúng tinh thần kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ phiên họp thứ 23 và kiến nghị của nhiều địa phương.
Cụ thể, có ưu tiên nguồn lực, chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, đặc thù cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; không cắt giảm ngay, đồng loạt các chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ đặc thù áp dụng với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính sau sắp xếp…
Giải trình làm rõ một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay vừa qua Bộ Nội vụ làm việc 63 tỉnh, thành, rà soát và đưa ra phương án dự kiến sắp xếp 33 huyện, 1.327 xã.
Trong đó có khoảng 16 đơn vị cấp huyện ở đô thị và 400 đơn vị cấp xã ở đô thị phải sắp xếp. Từ đó, Bộ Nội vụ cũng tính toán dự kiến số cán bộ công chức dôi dư tương ứng.
Theo đó, số cán bộ lãnh đạo cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.