Sáp nhập xã, phường: “Gánh nặng” đơn vị hành chính huyện, xã

Thành An Thứ sáu, ngày 14/09/2018 07:08 AM (GMT+7)
LTS: Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 hiện đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, hàng ngàn huyện, xã sẽ thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Bình luận 0

Việc sáp nhập hàng nghìn xã, phường theo yêu cầu của đề án là nhiệm vụ không đơn giản, thậm chí ở nhiều địa phương còn cho rằng đó là việc “khó khăn chồng chất”. Vậy giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu mà đã đề ra? Để trả lời câu hỏi này, Báo NTNN đã triển khai loạt bài, từ đó đưa ra  những phản ánh từ thực tế địa phương, quan điểm của lãnh đạo các địa phương, các nhà quản lý, các chuyên gia lập pháp về vấn đề này.

Theo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đang được Bộ Nội vụ xây dựng, hiện trên cả nước có tới 6.191/11.162 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số do đó cần phải sắp xếp, sáp nhập để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho địa phương

Ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, trong 30 năm, từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 282 đơn vị); đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị, bình quân mỗi năm tăng 50 xã). Con số này giữ nguyên cho đến nay. Quá trình chia, tách đơn vị hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có một số bất cập và hạn chế.

Cụ thể, bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Chi ngân sách nhà nước tăng, do tăng biên chế và quỹ tiền lương xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên… Việc này gây ra nhiều khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

img

  Theo tính toán của PGS-TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam)“Tỷ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số ước tính là 4,8%, cao nhất so với các quốc gia châu Á” (ảnh minh họa).  internet

Theo đề án đang được Bộ Nội vụ xây dựng, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện trên cả nước có đến 259/713 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số (chiếm 36,33%); trong đó có 199 huyện (gồm 71 huyện miền núi, vùng cao; 120 huyện đồng bằng, trung du; 8 huyện hải đảo), 21 quận, 23 thành phố thuộc tỉnh và 16 thị xã.

Đặc biệt, đối với các đơn vị hành chính cấp xã hiện có tới 6.191/11.162 đơn vị chưa đạt 50% các tiêu chuẩn này (chiếm 55,46%). Trong đó có 5.106 xã (gồm: 1.922 xã miền núi vùng cao; 3.173 xã đồng bằng, trung du; 11 xã hải đảo), 794 phường và 291 thị trấn thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.

Bộ máy cồng kềnh, tiền thuế của dân không nuôi nổi

Theo tính toán của PGS-TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam), dựa theo số liệu của Bộ Nội vụ cập nhật đến tháng 3.2018, nước ta có gần 137.000 khóm, xóm, tổ dân phố; 11.162 xã, phường; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, theo đó cứ bình quân 9 người phải nuôi 1 cán bộ. Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người.

“Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách. Nước ta nghèo và yếu, một phần cũng bởi hiện trạng này” - PGS-TS Phạm Duy Nghĩa nói và cho rằng, đối chiếu với hiện nay và năm 2019 sắp tới, tổng biên chế chỉ riêng cho bộ máy công chức đã là gần 260.000 người.

“Tỷ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số ước tính là 4,8%, cao nhất so với các quốc gia châu Á”- ông Nghĩa nói.

Về vấn đề này, GS-TS Hoàng Chí Bảo - nguyên ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc cải cách bộ máy là vấn đề cực kỳ quan trọng. Bởi chúng ta đang đứng trước bài toán vô cùng nan giải với căn bệnh trầm kha là phình bộ máy và tăng biên chế.

GS-TS Hoàng Chí Bảo kể rằng khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam, ông rất ngạc nhiên khi nghe thông tin dân số Việt Nam chỉ bằng 25% dân số nước Mỹ mà công chức Việt Nam đông hơn công chức Mỹ. “Một tình trạng phi lý như thế không thể nào chấp nhận được và không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như thế này” - GS-TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Đề cập đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, GS Hoàng Chí Bảo nêu thực tế, xã đông nhất như Bình Hưng Hòa (TP.HCM) 86.000 dân, mà sau này tách ra thành quận, huyện, xã vẫn đông. Cần Thơ có những xã 40.000 dân.

Lại có xã đông nhất 40 thôn khi tách ra nhưng có những xã chỉ có 1 thôn, nhất xã, nhất thôn như Ninh Hiệp. Không những vậy, có những xã miền núi bằng cả một tỉnh đồng bằng như Hưng Yên và Thái Bình nhưng chính sách đồng loạt như nhau, không thể gọi là có hiệu quả.

 “Đa dạng vô cùng, xã bé nhất là ở Bố Trạch, Quảng Bình, bộ tộc người Rục chỉ 136 người, nếu cứ bố trí bộ máy quan chức chỗ nào cũng có thì không đủ người làm cán bộ” - GS Hoàng Chí Bảo bày tỏ.

Quy mô diện tích, dân số huyện, xã
Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về quy mô dân số, huyện miền núi, vùng cao phải đạt từ 80.000 người trở lên; huyện còn lại từ 120.000 người trở lên; về diện tích tự nhiên: huyện miền núi, vùng cao từ 850km2 trở lên; huyện còn lại từ 450km2 trở lên. Về tiêu chuẩn cấp xã: Quy mô dân số xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; xã còn lại từ 8.000 người trở lên; diện tích tự nhiên xã miền núi, vùng cao từ 50km2 trở lên; xã còn lại từ 30km2 trở lên. Đối chiếu theo quy định trên, hiện có hơn 200 huyện và trên 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khoảng 16 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số được sắp xếp lại theo hướng sáp nhập, thu gọn để đáp ứng được các quy định hiện hành.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem