Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Nguyễn Văn Khôi vừa có văn bản “hỏa tốc” gửi các sở, ngành, quận, huyện về việc triển khai các dự án trọng điểm giao thông quốc gia trên địa bàn.
Theo đó, đối với dự án Đại lộ Thăng Long (tên cũ là đường Láng - Hòa Lạc), lãnh đạo Thành phố yêu cầu Sở GTVT đốc thúc khẩn trương xây dựng phương án và triển khai phương án thu phí trên tuyến đường này theo quy định.
|
Lãnh đạo Hà Nội "thúc" Sở GTVT khẩn trương nghiên cứu phương án và cách thức thu phí trên Đại lộ Thăng Long. |
Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu UBND huyện Thạch Thất khẩn trương triển khai, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục còn lại trong quý I/2013. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban quản lý dự án Thăng Long và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án.
Nếu việc thu phí trên Đại lộ Thăng Long được thực hiện sẽ khó tránh khỏi tình trạng “phí chồng phí”, khi trước đó Quỹ bảo trì đường bộ đã bắt đầu thực hiện từ ngày 1.1.2013. Để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng “phí chồng phí” Bộ GTVT đã phải cho ngừng hoạt động 17 trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước. Chỉ còn một số trạm đã bán quyền thu phí và trạm thu phí BOT được tiếp tục hoạt động.
Trước đó, vào cuối tháng 12.2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có văn bản giao UBND TP. Hà Nội tổ chức xây dựng phương án thu, nộp phí sử dụng đường bộ trên Đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, việc tổ chức xây dựng phương án thu, nộp phí sử phải đảm bảo không gây ùn tắc giao thông, đúng các quy định hiện hành và triển khai thu phí sau khi thống nhất với các bộ liên quan.
Thời điểm Chính phủ đồng ý cho Hà Nội thu phí trên Đại lộ Thăng Long là lúc Đề án về thu phí bảo trì đường bộ chưa được bàn tới.
Thời điểm trước tháng 9.2009, tuyến đường này – khi đó còn mang tên đường Láng – Hòa Lạc đã từng được tổ chức thu phí, nhưng tới ngày 11.9.2009, Bộ GTVT đã có quyết định ngừng hoàn toàn việc thu phí trên tuyến đường này.
Đại lộ Thăng Long được chính thức thông xe vào ngày 3.10.2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với tổng chiều dài gần 30 km, rộng 140m, gồm 2 làn xe cao tốc và 2 làn đường gom. Tuyến đường có tổng vốn đầu tư trên 7.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 1.800 tỷ đồng, gần 5.700 tỷ là vốn của Hà Nội.
Giai đoạn đầu tuyến đường được xây dựng bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), do Vinaconex thực hiện. Sau này do thiếu vốn, phải huy động thêm ngân sách Hà Nội.
Theo Phụ nữ Today
Vui lòng nhập nội dung bình luận.