“Sập” sàn chứng khoán TP.HCM: Thiệt hại nhà đầu tư, ai gánh?

Kỳ Phương Thứ ba, ngày 23/01/2018 19:40 PM (GMT+7)
Sự cố hy hữu “sập” sàn chứng khoán TP.HCM đã xảy ra và gây hoang mang cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính nhận định, vụ việc không quá nghiêm trọng nếu được khắc phục trong thời gian ngắn.
Bình luận 0

Chiều ngày 23.1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vẫn chưa thể hoạt động trở lại do sự cố vào chiều ngày 22.1.

Song song đó, sáng nay, HoSE đã phát đi thông báo tạm ngừng giao dịch chứng khoán ngày 23.1 vì sự cố lỗi hệ thống giao dịch chiều 22.1 vẫn chưa được xử lý xong.

"Vào phiên giao dịch ngày 22.1.2018, lúc 14 giờ 31 phút trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa đã xảy ra sự cố kỹ thuật đối với hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở đã thực hiện tạm ngừng giao dịch từ đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa ngày 22.12 và ngừng giao dịch ngày 23.1.

Hiện chúng tôi đang tích cực khắc phục sự cố để nối lại hoạt động giao dịch trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi rất tiếc về sự cố này và mong nhận được sự hợp tác của các thành viên thị trường và công chúng đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong thông báo tiếp theo", văn bản HoSE nêu.

Trước đó, sự cố xảy ra vào khoảng 14 giờ 30 ngày 22.1, hệ thống giao dịch HoSE bất ngờ bị lỗi khiến hàng loạt giao dịch bị đình trệ, làm cho việc đặt lệnh giao dịch của các công ty chứng khoán đến HoSE không thực hiện được. Thời điểm đó thị trường chứng khoán đang tăng mạnh, lượng giao dịch cũng đột biến, với VN-Index tăng trên 25 điểm. 

Anh Đức, một nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán tại TP.HCM cho biết, ngày hôm qua, anh vẫn chưa thể thực hiện thành công giao dịch vì không khớp lệnh. “Sáng nay tôi vẫn theo dõi và vẫn thấy HoSE... “đứng hình”. Hiện tại, tôi cũng hoang mang vì không biết phiên giao dịch hôm qua đưa ra kết quả thế nào. Việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các dự định của tôi. Vấn đề “sập” sàn là ngoài ý mưốn, nhà đầu tư phải chấp nhận, thế nhưng nếu không sớm khắc phục và để xảy ra hệ luỵ lớn, chúng tôi sẽ không biết quy trách nhiệm về ai? ”, anh Đức nói.

img

Sự cố sập sàn HoSE gây hoang mang, đồng thời đẩy dòng thị trường sang HNX và UPCOM

Nói về những vấn đề xung quanh liên quan đến sự cố trên, chuyên gia tài chính, ông Đinh Thế Hiển cho rằng, thiệt hại của các NĐT ở đây khó có thể xác định rõ. Bởi, giao dịch chứng khoán chưa khớp lệnh thì hàng hóa và tài sản của người mua hay người bán đều còn nguyên. Khác với sự cố nếu ngừng sản xuất trong một thời gian thì có thể xác định được chi phí vận hành, tiêu tốn nguyên vật liệu...

Tuy nhiên, bản thân HoSE là đơn vị tổ chức sàn giao dịch có thu phí thì cũng cần thể hiện trách nhiệm với các nhà đầu tư. Không thể nói rằng đó là sự cố ngoài ý muốn là xong và để NĐT phải gánh chịu các rủi ro đó.

Theo tôi, HoSE có thể ra thông báo miễn phí một phần giao dịch trong phiên này cho các nhà đầu tư tham gia mua và bán. Theo thông lệ, việc tổ chức có thu phí giao dịch thì trách nhiệm của đơn vị là phải đảm bảo hoạt động được thông suốt. Đây không phải là sự cố bất khả kháng kiểu thiên tai, chiến tranh... mà là sự cố kỹ thuật thì phải được lường trước. Do đó, nếu xác định có thiệt hại cho nhà đầu tư thì HoSE phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể, ông Hiển phân tích, trong trường hợp “sập” sàn, một nhà đầu tư đang cần tiền để trả nợ, hoặc mua một căn nhà đã đặt cọc... nhưng bán không được để có tiền thực hiện nghĩa vụ và bị phạt lãi trả chậm, bị phạt thanh toán không đúng hạn... rõ ràng là những thiệt hại nhất định. Còn xét theo quan hệ đầu tư - phục vụ giao dịch thì khi các nhà đầu tư đưa cả vài chục ngàn tỷ đồng nằm trong hệ thống các công ty chứng khoán không có lãi. Ngoài ra, họ đang vay margin với lãi suất khá cao nhưng không được giao dịch vì nơi phục vụ bị hư. Qua đó, chúng ta có thể tính được thiệt hại của nhà đầu từ bằng phép toán lãi suất ngày.

“Nếu HoSE chỉ tổ chức như một dịch vụ công, các thu phí chỉ bù đắp cho hoạt động thì HoSE không có nghĩa vụ bù đắp thiệt hại. Nhưng nếu HoSE tổ chức như là một mô hình công ty dịch vụ thu phí kiếm lời, và báo cáo lời thật sự thì về quan hệ kinh doanh "quyền lợi - trách nhiệm", HoSE phải bù đắp", ông Hiển lập luận.

Một chuyên gia chứng khoán với hàng chục năm thâm niên đánh giá, việc “sập” sàn không phải là chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán, mà đã từng xảy ra rất nhiều nơi. Ở Việt Nam cũng từng bị, hoặc nhìn ra thế giới cũng nhiều trường hợp "sập" sàn khác.

Theo chuyên gia này, mới đây việc sập sàn Bitcoin khiến dòng tiền chạy vào chứng khoán tại Việt Nam có thể tăng thêm nhiều hơn nữa... Tuy nhiên, việc HoSE "sập" sàn làm cho người chơi mất kênh để lựa chọn. Bên cạnh đó, dòng tiền từ HoSE có thể chảy sang HNX và UPCOM. Đáng chú ý, số lượng giao dịch chủ yếu lại nằm tại sàn HoSE (chiếm khoảng gần 90% lượng tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán).

“Hiện tại, nhu cầu giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư rất lớn, việc HoSE 'sập' sàn có thể gây lệch cung cầu. Với nhà đầu tư cá nhân, 'sập' sàn trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên, đối với những người nợ Margin vay mua cổ phiếu đến hạn phải trả mà ko bán được cổ phiếu thì phải đóng tiền vào công ty chứng khoán, đây là điểm gây bất lợi cho nhà đầu tư”, vị chuyên gia phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem