Sạt lở ăn vào tận nhà, 20.000 người dân ĐBSCL nơm nớp lo sợ

Minh Huệ Thứ ba, ngày 13/06/2017 15:19 PM (GMT+7)
Tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội chiều nay, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT về tình hình sạt lở ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bà Tuyết cũng gửi câu hỏi này đến một Phó Thủ tướng Chính phủ để trả lời cho cử tri an tâm.
Bình luận 0

Clip: ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT về tình hình sạt lở ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Tuyết cho biết: "Hiện nay sạt lở đã ảnh hưởng đến khoảng 20.000 người dân sống ở khu vực ĐBSCL, khiến họ ngày ngày phải sống trong nơm nớp lo âu. Xin hỏi Bộ trưởng, Chính phủ có giải pháp gì cho tình trạng này để giúp bà con và chính quyền ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khắc phục tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng?”.

img

ĐBSCL đang điêu đứng vì sạt lở. Trong ảnh: Điểm sạt lở tại Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) làm 14 căn nhà sụp xuống sông - Ảnh: Tiến Trình/Báo Tuổi trẻ

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: "Đúng là hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với thách thức, tổn thương rất lớn. Trong lịch sử kiến tạo chưa bao giờ đồng bằng sông Cửu Long chịu tổn thương như bây giờ. Ngoài tác động của thiên nhiên, chúng ta có thể nhận thấy các hoạt động của con người tạo ra, trong đó có những hoạt động kinh tế trên vùng này cũng tác động rất lớn đến tính chất bền vững của vùng này".

img

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang). Ảnh: Đàm Duy

Bộ trưởng Cường cho biết: "Khu vực ĐBSCL bị sạt lở cả các bờ sông và sạt lở bờ biển. Bờ biển hiện nay có 41 điểm sạt lở, bờ sông có khoảng gần 50km bị sạt lở, trong đó có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng phải xử lý khẩn cấp. Tuy nhiên chúng ta mới chỉ bố trí ngân sách để xử lý một vài nơi, chúng tôi cũng đã báo cáo lên Thủ tướng và Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này".

img

Nhiều nhà dân ở xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) thuộc khu vực sạt lở phải di dời khẩn cấp - Ảnh: Phú Điền/Báo Tuổi trẻ

Vẫn về câu hỏi của ĐB Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh quan điểm của Bộ là sẽ ưu tiên giải pháp di dân đến nơi an toàn, không thể để xảy ra nguy cơ xấu làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, sau đó là không để ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông quan trọng. Tuy nhiên, để có giải pháp mang tính toàn diện, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh chúng ta phải xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá và có giải pháp tổng thể về tình hình sạt lở ở ĐBSCL. 

Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu câu hỏi: "ĐBSCL được kiến tạo trong 2 triệu năm và có nguy cơ trở về biển cả trong vòng 200 năm tới, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cơ bản để nền nông nghiệp vạn ứng vạn biến với những biến đổi đó?".

Cùng với câu hỏi này, vẫn còn 22 ĐB bấm nút chờ đến lượt nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Tuy nhiên, do đã hết giờ trả lời chất vấn của Bộ trưởng nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ĐB gửi câu hỏi tới Tổng Thư ký Quốc hội để đề nghị Bộ trưởng trả lời trong thời gian tới.

Kết thúc buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ NNTPTN Nguyễn Xuân Cường, đã có 43 ĐB nêu chất vấn, trong đó có 11 ĐB đã giơ bảng dùng quyền tranh luận. Nhận xét về phần trả lời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu (11 tháng), nhưng Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm. 

Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: "Một số vấn đề Bộ trưởng chưa trả lời hết nội dung. Một số nội dung chưa nêu được giải pháp đột phá. Nhưng nhìn chung thấy rằng các đại biểu hài lòng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem