Sạt lở bờ sông ở miền Tây: Nhà cửa trôi sông, giao thông chia cắt

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 02/08/2019 06:05 AM (GMT+7)
Hiện nay, một số địa phương ở ĐBSCL, đặc biệt là TP.Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng đang xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Ngành chức năng các địa phương đang khẩn trương khắc phục và hỗ trợ người dân.
Bình luận 0

Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại

Ông Lê Ngọc Lâm (ngụ ở ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) hiện nỗ lực bảo vệ ngôi nhà do đoạn đê bao ngăn lũ dọc sông Cái Côn trước nhà ông bị sạt lở và đã sụp hoàn toàn xuống sông. “Vụ sạt lở xảy ra khá bất ngờ vì trước đó, không có một dấu hiệu rạn nứt hay sụt lún nào. Sau vụ sạt lở xảy ra, gia đình tôi nhanh chóng vận chuyển mọi vật dụng trong nhà đến nơi an toàn, rồi dùng bao đất gia cố lại bờ sông với hy vọng cứu được ngôi nhà đang ở” - ông Lâm nói.

Mặc dù đã gia cố bằng bao đất nhưng gia đình ông Lâm vẫn sợ căn nhà sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Vì vậy, gia đình ông quyết định sống tạm trên chiếc sà lan của gia đình đậu gần nhà. Cũng theo ông Lâm, đoạn đê bao ngăn lũ bị sạt lở cũng cuốn trôi một căn nhà bán kiên cố của ông nằm cặp mé sông, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.

Ông Lâm nói thêm: “Đoạn đê bao ngăn lũ bị sạt lở cũng là đường giao thông đi lại của rất nhiều hộ dân nên rất mong chính quyền địa phương có biện pháp làm lại con đường cho người dân đi. Khu vực sạt lở quá sâu, nếu chỉ dân thôi thì làm không nổi, nếu không làm lại, dân phải đi vòng đoạn rất xa”.

img

  Sạt lở đê bao ngăn lũ dọc sông Cái Côn (đoạn ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).  (ảnh: Huỳnh Xây)

Theo tìm hiểu, vụ sạt lở trước nhà ông Lâm xảy ra rạng sáng ngày 22/7, ăn sâu vào đất liền 7 m, chiều dài 20m. Từ đó đến nay, khu vực này tiếp tục xảy ra sạt lở, nhấn chìm thêm vào phía bờ 3m xuống sông và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Liên quan đến vụ sạt lở trên, ông Phan Hải Hoàng Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Vụ sạt lở làm tuyến giao thông nông thôn của hàng trăm hộ dân sinh sống khu vực ấp Hòa Thành bị chia cắt, đồng thời để lại nguy cơ làm nước tràn vào gây ngập úng vườn cây ăn trái của người dân. Nguyên nhân gây sạt lở có thể do mực nước trên sông cạn hơn mỗi năm, dòng chảy xoáy khoét sâu vào chân đê, hơn nữa đoạn đê bao cũng đã xây lâu năm”.

Tại Cần Thơ, trên kênh Rạch Sỏi Hậu Giang (nằm ven Quốc lộ 80, đoạn thuộc địa bàn ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) cũng vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Khu vực sạt lở có chiều dài hơn 40m đã khiến 2 căn nhà bị sụp xuống sông hoàn toàn và 3 căn khác bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại gần 900 triệu đồng.

Theo ông Đỗ Sĩ Nhường - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, vụ sạt lở xảy ra vào sáng ngày 29/7. Ngày sau khi xảy ra vụ việc, ngành chức năng địa phương đã hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng từ 5 đến 9 triệu đồng (tuỳ mức độ thiệt hại) và đề nghị thành phố hỗ trợ mỗi hộ dân 20 triệu đồng. Hiện phía huyện đang bố trí các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn (trước mắt ở tạm nhà người thân),  vào khu dân cư vượt lũ xã Thạnh Quới, về lâu dài sẽ xem xét bố trí chỗ ở ổn định cho các hộ dân trên.

Ban bố tình huống khẩn cấp

Hiện nay, trên Quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã xuất hiện vết nứt và có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu. Vết nứt sâu vào 1/3 mặt đường, với chiều dài khoảng 30m, rộng gần 2cm. Vết nứt trên xuất hiện vào sáng ngày 27/7, sau đó tiếp tục mở rộng. Nguyên nhân được xác định do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, áp sát bờ, nền đất yếu. 

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trên tuyến Quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), Chi cục Quản lý Đường bộ IV.5 thuộc Cục Quản lý đường bộ IV đã ra thông báo về việc phân luồng giao thông qua khu vực nguy hiểm này. Theo thông báo trên, các phương tiện xe ôtô tham gia giao thông từ hướng TP.Long Xuyên đến TP.Châu Đốc và ngược lại sẽ đi vào tuyến tránh sạt lở Quốc lộ 91 có chiều dài 5km từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương. 

Liên quan đến tình trạng trên, UBND tỉnh An Giang đã có quyết định ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở. Theo quyết định trên, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan có các biện pháp xử lý khẩn cấp bảo vệ các công trình trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, đồng thời tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở.

Tỉnh cũng yêu cầu, riêng UBND huyện Châu Phú theo dõi sát diễn biến, kịp thời xử lý di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở, phối hợp bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu phía công an tỉnh phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông (đường thủy và đường bộ) qua khu vực nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu yêu cầu cơ quan chức năng báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải vào cuộc khảo sát.

Trong 3 ngày (28, 29 và 30/7), nhiều lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh An Giang cũng đã trực tiếp đến hiện trường khảo sát tình hình, chỉ đạo khắc phục.

Sau khi kiểm tra thực tế, bà Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh ủy An Giang đề nghị, các sở, ngành trong tỉnh và huyện Châu Phú nghiêm túc triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ sạt lở, trong đó có việc bố trí người ứng trực theo dõi tình hình tại hiện trường để kịp thời báo cáo cũng như cảnh báo cho người dân biết, nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản của dân.

Đối với tuyến tránh khu vực sạt lở tính từ cầu Bình Mỹ tới cầu Cây Dương mới, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đề nghị khẩn trương di dời cáp quang viễn thông, xử lý hệ thống điện, hoàn thiện điểm đấu nối với tuyến Quốc lộ 91 đảm bảo lưu thông an toàn, để thực hiện phân luồng giao thông giáp áp lực cho khu vực nguy cơ sạt lở. Riêng UBND huyện Châu Phú thực hiện di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở và bố trí nơi ở tạm cho 13 hộ dân trong khu vực nguy hiểm.

Ông Trần Thanh Nhã - Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, tại thời điểm xuất hiện vết rạn nứt, UBND huyện Châu Phú đã chỉ đạo di dời 2 nhà dân và 1 lều quán có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng tỉnh tiến hành lắp đặt biển báo tạm và phân luồng giao thông, nhằm giảm tải trọng trên đoạn đường bị nứt và tổ chức trực tuần tra, kịp thời xử lý nếu phát sinh sự cố.

Theo tìm hiểu PV, khu vực xuất hiện vết nứt có nguy cơ sạt lở đã được ngành chức năng thả bao cát để gia cố, hạn chế sự phát triển của các vết nứt đang đe dọa gây sạt lở Quốc lộ 91. UBND tỉnh An Giang đã tạm ứng kinh phí hơn 25 tỷ đồng để thực hiện việc xử lý khẩn cấp khu vực có nguy cơ sạt lở trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem