Sạt lở hoành hành sông Tiền, sông Hậu

Chúc Ly Thứ năm, ngày 07/07/2016 06:27 AM (GMT+7)
Trước tình trạng sạt lở ở một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều vụ sạt lở xảy ra ngay cả trong mùa nắng, làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sản xuất của người dân, các nhà khoa học, ngành chức năng đang ráo riết tìm giải pháp để phòng, chống sạt lở.
Bình luận 0

Mất 500ha đất/năm

Theo Bộ NNPTNT, những năm gần đây, ở vùng ĐBSCL, sạt lở đã “nuốt” khoảng 500ha đất/năm, tương đương với diện tích một xã. Dự báo đến năm 2050, sẽ có khoảng 1 triệu người ở ĐBSCL bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất.

img

Tình trạng sạt lở tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang ngày càng diễn ra nghiêm trọng.     ảnh: CHÚC LY

Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu xảy ra nghiêm trọng vào đầu và cuối mùa mưa lũ tại các khu vực “nóng”, như: Thị xã Tân Châu, TP.Châu Đốc, TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang); thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp); TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), huyện Châu Thành và Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) với quy mô từ vài trăm mét đến vài km. Thậm chí, tình trạng sạt lở còn diễn ra trong cả mùa khô, không chỉ xảy ra trên các sông lớn mà ngay cả các tuyến kênh rạch. Đơn cử như tại tỉnh Hậu Giang, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận 40 điểm sạt lở (nhiều hơn 13 điểm sạt lở so với cùng kỳ năm 2015). Tổng chiều dài sạt lở là 668m, với tổng thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng. Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang xuất hiện 12 điểm sạt lở, sụt lún khá nghiêm trọng với tổng thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng. Tại cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), tình trạng sạt lở đang đe dọa cuộc sống của 4.000 hộ dân.

Cần những giải pháp căn cơ

Trong tương lai, nguồn cát bồi lắng trên sông Cửu Long chắc chắn sẽ bị giảm đáng kể. Để có thể đảm bảo nhu cầu về cát, xây dựng và san lấp, phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, cần nghiên cứu nguồn cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Nguồn cát khai thác chỉ phục vụ xây dựng, không được dùng để san lấp nền”. 
PGS-TS Đinh Công Sản (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) 

Trước những diễn biến bất thường của tình trạng sạt lở, các địa phương vùng ĐBSCL đang đẩy nhanh tìm biện pháp phòng, chống. Cụ thể tại tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh này đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương thực hiện ngay một số giải pháp cụ thể, tuyên truyền vận động và khuyến cáo cho người dân về diễn biến phức tạp về tình hình thiên tai; tăng cường kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở để khuyến cáo cho những hộ dân sống liền kề di dời tài sản, giảm thiểu thiệt hại.

Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý, gia cố chân kè hiện hữu sạt lở bờ sông Tiền khu vực Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, thuộc phường 11, TP.Cao Lãnh. Dự án này nhằm chủ động phòng chống sạt lở bảo vệ an toàn tính mạng cho hàng ngàn lao động đang làm việc tại khu công nghiệp.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, để phòng, chống, kiểm soát sạt lở hiệu quả tại khu vực ĐBSCL cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Trong đó, biện pháp bảo vệ bờ biển bằng công trình cứng và trồng rừng ngập mặn giảm sóng là rất quan trọng. Đối với biện pháp bảo vệ bờ biển bằng công trình, Viện cũng đã đề ra nhiều dạng như: Mái dốc nghiêng, mái dốc đứng hoặc dạng tổng hợp.

Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Rất khó để phòng chống sạt lở vì phải tốn rất nhiều tiền. Cách hữu hiệu nhất là đánh dấu trên bản đồ những điểm đen sạt lở và trồng cây chống sạt lở ở những điểm đó”./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem