Sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn 337: Nỗi đau chưa nguôi trên bản Cợp

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 20/10/2020 19:47 PM (GMT+7)
Than ôi, cuộc đời vô thường, sống và chết là quy luật tất yếu của tạo hoá. Nhưng, sự ra đi quá đột ngột của 22 quân nhân Đoàn 337 để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân.
Bình luận 0

Đau đớn lắm các anh ơi!

Sáng 18/10, trước khi viếng, truy điệu 13 liệt sĩ trong đoàn cán bộ đi cứu nạn ở thuỷ điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) gặp nạn, Thượng tướng Phan Văn Giang - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nghẹn lời khi báo tin dữ, 22 quân nhân của Đoàn 337, đóng tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị bị núi lở vùi lấp.

Sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn 337: Đau đớn lắm các anh ơi - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ, xe, máy tìm kiếm thi thể 22 quân nhân gặp nạn.

Sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn 337: Đau đớn lắm các anh ơi - Ảnh 2.

Sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn 337: Đau đớn lắm các anh ơi - Ảnh 3.

"Đau đớn vô cùng, chúng tôi lại thêm nhiều đêm thức trắng" – thông báo tin xấu, Thượng tướng Giang đã phải cố kìm lòng để nước mắt không rơi ra trong khoé mắt.

1h ngày 18/10, mưa nặng hạt liên hồi trút xuống thôn Cợp. 27 quân nhân Đoàn 337 đang ở bên trong những căn phòng của doanh trại. Bỗng dưng, một tiếng nổ như sét đánh ngang tai vang lên giữa núi rừng thăm thẳm. Liền đó, tiếng cây gãy đỗ, tiếng đất, đá trên ngọn núi cao cách doanh trại mỗi giây một gần hơn. Và rồi, điều đau đớn xảy ra, khoảng 2 triệu m3 đất đá đổ ập xuống, vùi lấp 22 quân nhân. 5 quân nhân khác may mắn thoát ra ngoài.

Anh N.H.H – 1 trong 5 người may mắn được cứu thoát bàng hoàng kể lại, sau tiếng nổ lớn, đất đá từ núi cao ào xuống xô đổ căn phòng, bức tường sập xuống đè lên người anh. May thay, anh H bị đè ở góc chữ A của bức tường nên không bị vùi lấp. Trong đêm tối mịt mù, anh nghe tiếng đồng đội gọi "có ai không, còn ai không".

Anh H cố rướn mình hét lớn nên đồng đội nghe thấy. Mọi người cùng nhau lật giở từng mảng tường nặng trĩu, cứu anh thoát nạn.

Vừa cứu anh H xong, những tiếng nổ lớn tiếp tục phát ra, đất sạt xuống ào ào như những trận sóng lớn khiến mọi người phải bỏ chạy.

Hay tin 22 quân nhân bị nạn, hàng trăm người đã lội qua nhiều điểm sạt lở, bùn đất ngập đến lưng quần người lớn, có nơi ngang ngực để vào hiện trường, phối hợp lực lượng tại chỗ cùng xe, máy triển khai cứu nạn.

Cảnh tượng nơi vụ việc đau lòng xảy ra khiến ai nhìn thấy cũng phải rùng mình. Ngọn núi cao thăm thẳm, ngày thường đẹp như tranh đã bị sạt xuống mất một phần, lộ ra thứ đất màu đỏ nhạt như màu máu. Bãi đất, đá ngổn ngang rộng chừng 2ha như bình địa, lầy lội, nhão nhoẹt. Dưới đó, thi thể của 22 quân nhân đang bị vùi chôn trong đất lạnh.

"Quế ơi, Cường ơi, Đức ơi, Trung ơi, Linh ơi, Nguyên ơi, Tuấn Anh ơi…, đâu hết cả rồi" - tiếng gọi của đồng đội vang lên trong nỗi đau đớn cùng cực bởi nghe không ai trả lời, nước mắt hoà nước mưa.

Mọi người không ai bảo ai, dưới cơn mưa tầm tã, nước mắt rơi, nỗi đau chồng chất nhưng phải cố nghiến răng, dằn lòng lại để đủ sức lực, bằng tất cả những gì có thể tìm kiếm đồng đội đang bị chôn vùi.

Trong khi hàng trăm người, xe, máy cơ giới nỗ lực tìm kiếm, thỉnh thoảng lại có tiếng kẻng vang lên liên hồi, hối thúc mọi người chạy khỏi nơi nguy hiểm. Bởi vì, tiếng kẻng đó báo hiệu có nguy hiểm, đất tiếp tục sạt lở.

Cứ như vậy, tìm kiếm, rồi chạy đi, đợi an toàn lại tiếp tục tìm, lần lượt, 1, 2, 3… cho đến khi tìm được 22 quân nhân.

Nhìn đoàn người cáng thi thể các anh ra khỏi nơi sạt lở, trái tim của thân nhân, đồng đội, nhân dân như bị bóp nghẹt lại, đau như muối xát.

Lời hứa còn dở dang

Ngày 19/10, đoàn xe cứu thương lặng lẽ đưa thi thể các anh về với đồng đội, gia đình. Cả một đoàn xe, nhưng ai nhìn thấy vẫn cảm thấy có gì đó rất đơn độc, thê lương!

Sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn 337: Đau đớn lắm các anh ơi - Ảnh 4.

Bà Hồ Thị Bai (50 tuổi, người dân tộc Vân Kiều, trú thôn Cợp, Hướng Phùng) nghẹn ngào kể về sự mất mát khi 22 người con ở Đoàn 337 bị vùi lấp.

Ngồi bên vệ đường, bà Hồ Thị Bai (50 tuổi, người dân tộc Vân Kiều, trú thôn Cợp, Hướng Phùng) hướng đôi mắt đỏ hoe, đầy nước mắt nói rằng: "Còn đâu nữa con ơi, vậy là mẹ mất con rồi".

Sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn 337: Đau đớn lắm các anh ơi - Ảnh 5.

Bà Lương Thị Lý (tỉnh Quảng Trị), mẹ chiến sĩ Lê Thế Linh (SN 1995) đau đớn gọi tên con. Ảnh: Diệu Bình

Bà Bai cho biết, tuy không bà con họ hàng nhưng bà coi các anh bộ đội Đoàn 337 như con của mình, và các anh cũng xem bà như mẹ vậy.

"Mấy đứa nó sống tình cảm, thương dân, thương mẹ lắm. Nhà mẹ nghèo (phụ nữ người Vân Kiều khi đứng tuổi được gọi là mẹ, đàn ông gọi là bố - PV), mùa đông, biết mẹ lạnh, mấy đứa nó đem chăn cho mẹ đắp. Ngày lễ, Tết, mấy đứa cho mẹ gạo, mì chính, bánh kẹo. Trồng được rau, nuôi được cá mấy đứa đều cho mẹ, còn chỉ cho mẹ cách trồng lúa, trồng cây để có cái ăn", bà Bai kể trong tiếng nấc.

Bà Bai nói rằng, Tết năm nào Đoàn 337 cũng gọi bà lên thăm chơi và cũng đến thăm nhà từng hộ dân trong thôn, trong xã, ai cũng quý.

Sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn 337: Đau đớn lắm các anh ơi - Ảnh 6.

Đoàn xe cứu thương lặng lẽ đưa các anh về với gia đình. Ảnh: Ngọc Hải.

"Mấy đứa nó nói các con sẽ có quà cho mẹ ăn Tết, mẹ đừng lo, mẹ lên chơi với các con nghe. Vậy mà giờ còn đâu nữa. Năm nay, thiếu 22 đứa con. Mẹ đau đớn lắm, ruột gan như có cái gì cào cấu vậy", bà Bai chua xót.

Anh Hồ Văn Thương (30 tuổi) – trưởng thôn Cợp cho biết, Đoàn 337 đóng quân trên địa bàn, đã giúp đỡ nhân dân rất nhiều, từ hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt đến hỗ trợ xây nhà văn hoá, sửa chữa nhà dân mỗi khi hư hỏng, Tết, lễ để bà con có niềm vui. Mỗi khi thiên tai, bão lũ, Đoàn 337 luôn là đơn vị tiên phong giúp dân khắc phục.

"Cuộc sống người dân chúng tôi ổn định và ngày càng phát triển có công rất lớn của Đoàn 337. Nhưng, 22 chiến sĩ đã ra đi, để lại cho dân nỗi đau tột cùng", anh Thương chia sẻ.

Anh Thương kể rằng, khi nghe hung tin, anh vội báo cho Bí thư chi bộ thôn và lãnh đạo xã rồi vội chạy đến hiện trường. Người dân nghe tin cũng vội đội đèn pin chạy đến, ai nóng lòng muốn lao vào, phụ giúp đào tìm các chiến sĩ đang bị vùi lấp dưới đất lạnh.

"Người dân tập trung rất đông, ai cũng nói các anh bộ đội đã vì dân rất nhiều rồi, nay họ gặp nạn nhân dân phải giúp đỡ, phải ứng cứu", anh Thương kể.

Nhưng vì sạt lở còn xảy ra, để an toàn cho nhân dân nên chính quyền địa phương, Đoàn 337 không cho người dân đến gần hiện trường.

Từ khi 22 quân nhân gặp nạn, khung cảnh ở Hướng Phùng nói riêng, Quảng Trị nói chung trở nên u ám, đau buồn, nước mắt lăn dài trên gò má của nhân dân. Họ như mất đi người thân ruột thịt của mình.

Khi đoàn xe cứu thương đưa các anh về tới Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị (TP.Đông Hà), dưới cơn mưa nặng hạt, thân nhân, người dân Quảng Trị và nhiều nơi trên cả nước đã đón chờ trong nước mắt.

Tang tóc, đau thương, cha mẹ khản giọng gào tên con, vợ đơn đáu kêu chồng mình tỉnh lại, ánh mắt ngơ dại của những đứa con khiến nước mắt mọi người cứ trào ra, tủi hờn.

Than ôi, dẫu biết tạo hoá đã sinh ra thì phải mất đi, nhưng sự ra đi quá đột ngột của các anh khiến nhân dân cả nước tiếc thương vô hạn, sự mất mát này không gì bù đắp nỗi.

Ngồi bệt bên góc đường gọi tên con trong vô vọng, hai dòng lệ bà Lương Thị Lý (tỉnh Quảng Trị), mẹ chiến sĩ Lê Thế Linh (SN 1995) chảy dài.

Anh Linh là con thứ 3 trong gia đình bốn anh em. Khoảng 21h tối 17/10 cách vài tiếng xảy ra sự việc, ở Quảng Trị mưa lớn, anh Linh gọi điện thoại về nói chuyện với mẹ hơn 1h.

"Linh nó nói chuyện với tui xong nhờ chuyển máy gặp hết những người còn lại trong nhà dặn dò đủ thứ. Nói chuyện với mọi người xong con bảo tôi cho con đi ngủ, sợ con lạnh tôi nhắc con mặc áo vào. Lúc chuẩn bị tắt máy, nó còn nói mẹ ơi, mưa gió đừng cho em gái ra đường. Trời ơi, tôi không ngờ đó là lần cuối thằng Linh nó gọi về với tôi...", bà Lý òa khóc.

Chị Trần Thị Nhung là vợ thượng úy Trần Quốc Dũng (quê Hà Tĩnh). Họ cưới nhau được 8 năm và hiện đã có 2 người con 7 tuổi và 3 tuổi. Chị Nhung đang là giáo viên tại một trường tiểu học ở Hà Tĩnh, còn anh Dũng vào công tác tại Đoàn 337 từ năm 2011 đến nay.

Sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn 337: Đau đớn lắm các anh ơi - Ảnh 7.

Chị Trần Thị Nhung đau đớn khi mất đi người chồng là thượng úy Trần Quốc Dũng (quê Hà Tĩnh).

Cách đây 3 ngày, anh Dũng hứa là sẽ về thăm nhà để tổ chức sinh nhật cho chị (ngày 20/10 - PV) và chụp tấm ảnh chung cùng gia đình vì kể từ ngày cưới, nhà chị chưa có tấm ảnh nào. Anh còn hứa, Tết năm nay sẽ mời các anh em trong đơn vị về nhà chơi. Ấy thế mà, hôm nay anh lại cùng đồng đội trở về trên những chiếc xe cứu thương chở những nỗi đau tột cùng.

Ai ơi!, từ nay đồng đội sẽ không còn được gọi tên đồng chí của mình, cha mẹ đâu còn nghe tiếng gọi của con, vợ mất chồng, con thiếu hơi ấm của cha, nỗi đau này không thể nào bù đắp được.

Nhưng các anh hãy yên nghỉ, bởi còn có đồng đội, đồng chí sẽ tiếp tục thay các anh giúp đỡ, chăm lo cho nhân dân. Chính quyền, nhân dân cả nước sẽ chung tay giúp gia đình các anh vơi bớt phần nào nỗi đau này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem