“Sát nhân” rình rập trên phố

Thứ năm, ngày 28/04/2011 11:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại ngã tư đường Trần Phú – Nguyễn Tri Phương, quận 5, TP.HCM, một người đàn ông đi xe đạp vướng phải cáp điện thoại té chấn thương sọ não và chết sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bình luận 0

Đi trên đường phố, người dân bị nhiều kẻ “sát nhân” rình rập: Xe tông chết, sụp hố ga chết, vấp hố ga ngã ra đường bị xe cán chết, nước ngập cuốn trôi chết, rơi hố công trình chết, cây đổ xuống đầu chết, thanh bê tông rơi đè chết, điện giật chết, cáp điện thoại treo cổ chết… Trường hợp ông già bị cáp điện thoại vướng bánh xe ngã chết thật hy hữu, nhưng điều đó nói lên rằng, người dân đang sống trong một môi trường đô thị rất không an toàn.

Các loại bẫy giết người này đều do bàn tay của con người tạo ra. Ông điện để rò rỉ điện, ông thầu xây dựng không đậy nắp hố ga, ông viễn thông để dây rơi xuống đường… Nhiều đơn vị làm ăn cẩu thả như vậy, nhưng khi xảy ra án mạng, không ai chịu trách nhiệm, họ chối phắt tất cả và đổ lỗi cho khách quan.

Điển hình như vụ cáp điện thoại, Công ty Viễn thông quân đội, Công ty Dịch vụ Viễn thông CMC và Công ty Điện thoại VNPT nhận định đó là cáp viễn thông của FPT Telecom, nhưng đơn vị này khẳng định không phải là sợi cáp của mình. Sợi cáp sờ sờ ra như vậy, nhưng tìm được chủ nhân của nó cũng khó khăn.

Trong rất nhiều vụ tai nạn chết người nêu trên, chưa có vụ nào được đưa ra tòa để làm rõ trách nhiệm của đơn vị chủ quản công trình. Nạn nhân chết oan ức, xã hội coi đó như một sự rủi ro, ai không may thì gặp. Người dân chưa có ý thức một cách mạnh mẽ rằng, có thể khởi kiện và xử lý theo pháp luật các trường hợp gây ra cái chết hoặc thương tích như vậy.

Từ trước đến nay, nếu như các vụ tai nạn đều được phân tích và làm rõ trách nhiệm, xử lý theo pháp luật đối với các trường hợp có đủ chứng cứ, thì các đơn vị chủ quản, chủ công trình xây dựng, chủ đầu tư các dự án không dám làm ăn cẩu thả như hiện nay.

Đối với những vụ tai nạn chết người này, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không thể thoái thác trách nhiệm. Để dân chết vì những kẻ “sát nhân đô thị” như vậy là lỗi của việc quản lý đô thị. Quản lý kém thì “sát nhân” càng nhiều, đe dọa mạng sống của người dân từng ngày, từng giờ.

Ngược lại, nếu quản lý tốt thì sẽ không có những con đường lộ hố ga, không có những công trình không rào chắn, không có những cột điện rò rỉ, không có những bó dây cáp sà xuống đầu người...

Người dân mong muốn chính quyền nâng cao năng lực quản lý đô thị để dẹp bớt các tên “sát nhân”, đó là cái gốc của an toàn. Bởi vì nếu để tai nạn xảy ra, dù có lôi cổ được kẻ sát nhân ra tòa thì mạng sống của nạn nhân cũng không lấy lại được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem