Phó giáo sư Lưu Dũng, làm việc tại Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, Trung Quốc vừa làm thí nghiệm quan sát khẩu trang lọc bụi được sử dụng ngoài trời Bắc Kinh trong 10 ngày, Sina hôm 3.1 đưa tin.
Ông Lưu chia sẻ hình ảnh chiếc khẩu trang mới bên phải, trong khi chiếc bên trái được đeo 10 ngày ở ngoài trời. Quan sát bằng mắt thường cho thấy khẩu trang chuyển màu đen kịt sau khi sử dụng một thời gian ngắn.
Hình ảnh phóng to khẩu trang 2.000 lần dưới kính hiển vi điện tử cho thấy nhiều hạt bụi kích thước lớn nhỏ và hình dạng khác nhau nằm trên các sợi vải.
Ông Lưu cho biết thí nghiệm chỉ giúp quan sát hạt bụi thể rắn, còn đối với sol khí, tức hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng trong không khí, cần dùng cách khác.
Bức ảnh đang gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc, khiến nhiều người than phiền về tình trạng ô nhiễm ở quốc gia này. "Đây là hình ảnh sau 10 ngày, không biết 10.000 ngày sau nó sẽ có hình dạng như thế nào", một người dân bình luận.
Bắc Kinh chịu cảnh khói bụi, sương mù trong nhiều tuần qua. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần giảm hoạt động ngoài trời và sử dụng các biện pháp bảo vệ khi ra ngoài.
Hình ảnh những hạt bụi PM2.5 được phóng đại 1000 lần dưới kính hiển vi. PM2.5 là thành phần chính của làn khói mù độc hại đang bao phủ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Những góc cạnh sắc lẻm của một hạt bụi PM2.5 màu xanh ánh kim được phóng đại dưới kính hiển vi. Theo các nhà khoa học, bụi PM2.5 có thể tích tụ trong phổi người trong một thời gian dài và gây tổn thương nghiêm trọng cho hệ hô hấp, có thể đe dọa đến tính mạng con người.
Hiền Anh (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.