PJ-10 BrahMos là loại tên lửa hành trình chống tàu tốc độ siêu âm được phát triển bởi BrahMos Aerospace. Công ty này là một liên doanh giữa Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ DRDO và Phòng thiết kế NPO Mashinostroyeniya, Nga. Tên gọi BrahMos được kết hợp giữa tên hai dòng sông Brahmaputra ở Ấn Độ và sông Moscow ở Nga. Ảnh: Rediff
Quá trình phát triển BrahMos bắt đầu vào cuối những năm 1990. BrahMos có thể phóng từ bệ phóng di động trên đất liền, tàu chiến, tàu ngầm và phóng từ trên không. Tên lửa tiến hành thử nghiệm đầu tiên vào năm 2001. Từ cuối năm 2004 trở đi, tên lửa đã được thử nghiệm từ nhiều nền tảng phóng khác nhau. Tên lửa đi vào phục vụ trong quân đội Ấn Độ từ năm 2006. Biến thể tấn công mặt đất phóng từ tàu chiến đã được thử nghiệm thành công vào năm 2008. Ảnh: In.rbth
Tên lửa BrahMos phát triển trên cơ sở tên lửa hành trình chống tàu P-800 Onisk của Nga. Nó sử dụng chung động cơ với P-800, hệ thống dẫn đường phát triển mới để phù hợp với yêu cầu hoạt động của quân đội Ấn Độ cũng như các khách hàng xuất khẩu trong tương lai. Ảnh: Wikipedia
Tên lửa BrahMos có chiều dài 8,4 m, đường kính 0,6 m, trọng lượng 3.000 kg (với biến thể phóng từ tàu chiến, bệ phóng mặt đất), 2.500 kg (với biến thể phóng từ trên không). BrahMos được đưa ra khỏi ống phóng bằng động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, giai đoạn 2 tên lửa hành trình đến mục tiêu bằng động cơ ramjet nhiên liệu lỏng. Ảnh: Wikipedia
BrahMos sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp dẫn hướng quán tính, hỗ trợ định vị địa lý tăng cường bằng GPS và radar chủ động giai đoạn cuối, bán kính lệch mục tiêu CEP chỉ khoảng 1 m. Tên lửa tấn công mục tiêu với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh (khoảng 3.600 km/h) mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 200 kg (với biến thể phóng từ tàu chiến, mặt đất), 300 kg (với biến thể phóng từ trên không). Sau khi phóng, tên lửa leo lên độ cao 15 km, ở giai đoạn cuối nó hạ độ cao xuống còn 3-4 m để tăng mức độ thiệt hại. BrahMos có tầm bắn từ 300-500 km tùy biến thể, loại dùng cho xuất khẩu có tầm bắn 290 km. Ảnh: Armyrecognition
BrahMos có 3 biến thể khác nhau, trong đó, biến thể phóng từ xe phóng di động trên đất liền hoạt động với vai trò như một loại tên lửa chiến thuật. Biến thể này có thể hoạt động như một hệ thống phòng thủ bờ biển để tiêu diệt tàu chiến hay tấn công các mục tiêu mặt đất như một tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Mỗi xe phóng mang theo 3 đạn tên lửa phóng ở vị trí thẳng đứng. Ảnh: Militaryrussia.ru
Biến thể phóng từ tàu chiến được thử nghiệm lần đầu vào ngày 5.3.2008 từ tàu khu trục INS-Rajput D51. Tên lửa được phóng từ ống phóng nghiêng. Ảnh: Wikipedia
Biến thể BrahMos phóng từ tàu chiến trong ống phóng thẳng đứng được thử nghiệm lần đầu vào tháng 10.2008. Việc sử dụng ống phóng thẳng đứng cho phép tăng số lượng tên lửa mà không ảnh hưởng nhiều đến không gian tàu. Các tên lửa phóng thẳng đứng luôn có lợi thế rất lớn trong việc bao quát mục tiêu. Ảnh: Defence.pk
Biến thể phóng từ tàu ngầm tiến hành thử nghiệm đầu tiên từ một phao chìm ở vịnh Belgan vào ngày 20.3.2013. Đây là lần đầu tiên một tên lửa siêu âm được phóng đi ở trạng thái ngập nước trong ống phóng thẳng đứng. BrahMos có thể phóng đi từ độ sâu 40-50 m dưới mặt nước biển. Ảnh: Aviationweek
Biến thể BrahMos phóng từ trên không trang bị cho tiêm kích đa năng SU-30MKI được công khai lần đầu vào năm 2008. Tên lửa được thiết kế lại để phù hợp với kích thước của máy bay. Động cơ tăng cường nhiên liệu rắn được loại bỏ để giảm trọng lượng xuống còn 2,5 tấn so với 3 tấn của biến thể tiêu chuẩn. Biến thể này hoạt động như một vũ khí tấn công ngoài tầm phóng không điểm. Dự kiến 3 phi đội Su-30MKI trang bị BrahMos sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015. Ảnh: Defense-update
Biến thể BrahMos-M có thiết kế nhỏ gọn hơn xuất hiện công khai lần đầu tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập liên doanh BrahMos Aerospace vào tháng 2.2013. BrahMos-M ngắn hơn so với BrahMos khoảng gần 3 m, đường kính giảm xuống còn 0,5 m, tầm bắn 290 km. Tên lửa mới sẽ trang bị cho tiêm kích Su-30MKI, Mirage-2000, MiG-29K và cả Rafale trong tương lai. Mỗi chiếc Su-30MKI có thể mang theo 3 tên lửa BrahMos-M thay vì chỉ 1 như trước đây. Dự kiến BrahMos-M sẽ đi vào hoạt động từ năm 2017. Ảnh: Wikipedia
Biến thể siêu thanh BrahMos-II đang tiến hành quá trình phát triển. Tên lửa có tầm bắn khoảng 290 km với tốc độ lên đến gấp 7 lần vận tốc âm thanh (8.400 km/h), nếu thành công BrahMos-II sẽ là tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới. Ảnh: Globalmilitaryreview
Vui lòng nhập nội dung bình luận.