1 năm sau đối thoại Thủ tướng với doanh nghiệp, 110.000 DN được khai sinh
Những điểm sáng đầu tiên
Hơn 1 năm về trước, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp: “Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng”.
Hơn 1 năm qua, việc tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển đã được thực hiện như thế nào để hiện thực hóa những lời hứa và quyết tâm của Thủ tướng cũng như của Chính phủ?
Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24,1%.
Về đầu tư nước ngoài, tính đến 31.12.2016 cả nước có 2.613 dự án mới được cấp GCNĐKĐT với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Cả nước có 1.249 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,56 tỷ USD, tăng 36,1% về số dự án và bằng 84,4% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ. Có 5.970 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 4,51 tỷ USD.
Về đóng góp tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.485 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 557,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 579,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 39% và tăng 9,7%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 347,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,4%.
Sau cuộc đối thoại với doanh nghiệp lần thứ nhất, các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng được thể chế hóa tại Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Việc ban hành Nghị quyết 35 trong một khoảng thời gian rất ngắn đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, phát triển bền vững.
Cũng từ sau Hội nghị cách đây 1 năm, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước. Trong đó, đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77%. Ngoài ra, 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đã được ban hành, 4.527/4.723 thủ tục hành chính, chiếm gần 96% được đơn giản hóa.
Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh với 5 chỉ số tăng hạng.
Doanh nghiệp vẫn phải lót tay, chung chi
Theo báo cáo sơ kết kết quả thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Bên cạnh những kết quả khả quan, tạo tác động lớn đến bộ máy các cơ quan Nhà nước, vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện.
Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu PCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm. Có từ 9 - 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014- 2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6 - 8% giai đoạn 5 năm trước.
Dù môi trường kinh doanh được cải thiện, song doanh nghiệp vẫn phải lót tay, chung chi
Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua, giảm từ 65% trong giai đoạn 2013 - 2014 xuống còn 58% vào năm 2016. Tuy nhiên, con số này vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó. Các thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Có 37% số doanh nghiệp thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Cá biệt có những trường hợp doanh nghiệp bị kiểm tra 9 lần trong một năm, cho dù nội dung không giống nhau nhưng đã gây áp lực rất lớn tới doanh nghiệp.
Báo cáo của VCCI cũng cho biết, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia.
Cụ thể, chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore.
Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. “Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, VCCI đánh giá. “Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam”, VCCI bày tỏ lo ngại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.