Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô?

Văn Nguyễn Thứ tư, ngày 09/06/2021 06:10 AM (GMT+7)
Cách đây 1 tháng Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo xử lý giải quyết vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh ngay sau đó đã thành lập tổ công tác gồm 10 thành viên...
Bình luận 0

Cách đây 1 tháng, ngày 6/5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định 2030/QĐ-UBND thành lập tổ công tác của UBND TP.Hà Nội về việc thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng về xử lý, giải quyết nội dung kết luận, kiến nghị tại kết luận thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô (thuộc phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng).

Tổ công tác gồm 10 thành viên do Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn làm Tổ trưởng; Chánh Thanh tra TP là Tổ phó và các tổ viên là lãnh đạo các sở, ngành: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tài chính, Cục Thuế TP, Phó Chánh Văn phòng UBND TP và Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng.

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 1.

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô là một trong số những công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội. Quy hoạch chi tiết của công viên có tỷ lệ 1/500 với mục đích trở thành "lá phổi xanh" nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng, vui chơi của đông đảo người dân. (Ảnh: Văn Nguyễn).

Tổ Công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND TP chỉ đạo xử lý, giải quyết nội dung kết luận, kiến nghị tại kết luận thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong công viên; bảo đảm xử lý, khắc phục toàn diện, triệt để các sai phạm, bất cập tồn tại liên quan.

Theo tìm hiểu và ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, từ nhiều năm nay, các vi phạm tại dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị tồn đọng, không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận.

Các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội cũng đã chỉ rõ các sai phạm trong quá trình khai thác, vận hành công viên liên quan đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, lập quy hoạch, cấp phép xây dựng, triển khai dự án có sử dụng đất.

Ðồng thời, một số cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm, nội dung tham mưu thiếu khả thi, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố, có dấu hiệu buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng.

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HÐND các cấp, đại biểu Quốc hội, các vấn đề liên quan đến Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cũng được rất nhiều cử tri phản ánh.

Ðáng chú ý, do chậm trễ, thiếu thống nhất trong công tác quy hoạch, triển khai dự án công viên đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của gần 900 hộ dân.

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 3.

Hiện tại, khu vui chơi giải trí của công viên với nhiều công trình, thiết bị được đầu tư gần 1.000 tỉ đồng như hệ thống ống trượt, máng trượt nước, vòng đu quay khổng lồ đang rơi vào cảnh hoang tàn do không được duy tu bảo dưỡng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng người dân vào thể dục, vui chơi. (Ảnh: Văn Nguyễn).

Anh Lê Tuấn Huấn, người sinh sinh sống tại phường Thanh Nhàn - nhà gần công viên Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, gia đình anh sử dụng đất có nguồn gốc của cha ông để lại nhưng nằm trong quy hoạch Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nên không "làm ăn" gì được.

"Gia đình tôi có hai anh chị em, đất của bố mẹ đủ để chia tách làm nhà nhưng do vướng quy hoạch của công viên nên không thể làm được", anh Huấn nói và cho biết việc này gây bức xúc vô cùng vì đã hàng chục năm rồi, "quy hoạch để đó không thực hiện khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng".

"Chúng tôi mong muốn trong năm 2021 này TP.Hà Nội quyết liệt hơn nữa, giải quyết các tồn đọng, từ đó tháo gỡ khó khăn tại dự án này để người dân không bị quy hoạch treo nữa. Ngoài ra nên sớm gỡ bỏ hết "phế tích", khai thác quỹ đất hiện có, tránh tình trạng bỏ không lãng phí hàng chục năm làm xấu xí bộ mặt đô thị Thủ đô", anh Huấn nói.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND phường Thanh Nhàn cho biết, đất đai của gần 900 hộ dân thuộc khu dân cư số 1, số 2 và số 4 không phải là đất lấn chiếm, mà có nguồn gốc đất cũ của làng Thanh Nhàn, có trường hợp đất liền thổ và nhiều trường hợp trong đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hàng chục năm trước. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch dự án công viên cho nên người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng, chia tách hộ khẩu.

Dưới đây là chùm ảnh PV Dân Việt ghi nhận trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô thời điểm đầu tháng 6/2021:

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 4.

Vòng đu quay mặt trời hơn 10 năm trước được nhập từ Nhật Bản về. Sau thời gian bỏ hoang, khối sắt hoen gỉ, trụ và ca bin mục ruỗng được cắm biển "nguy hiểm cấm vào". (Ảnh: Văn Nguyễn).

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 5.

Các hạng mục không được sử dụng, bảo quản nên dẫn đến hoen gỉ, bong tróc và xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Văn Nguyễn).

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 6.

Trụ điện để phục vụ hoạt động của vòng quay cũng đã ngừng hoạt động từ lâu, lớp sơn đã bị bong tróc, ổ khóa và ổ điện cũng đã bị hoen rỉ.

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 5.

Cận cảnh sự hoen gỉ của hạng mục công trình vòng đu quay mặt trời. (Ảnh: Văn Nguyễn).

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 8.

Ống trượt và máng trượt nước đã nằm phơi mình trong nắng mưa đã nhiều năm qua. (Ảnh: Văn Nguyễn).

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 9.

Cột trụ ở của hạng mục công trình đường trượt nước đều đã bị gỉ sét, bong tróc. (Ảnh: Văn Nguyễn).

Sau 1 tháng Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm, thấy gì ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô? - Ảnh 7.

Các công trình, hạng mục hiện nay trở nên như một "phế tích". (Ảnh: Văn Nguyễn).

Theo tìm hiểu, năm 1991 UBND TP.Hà Nội có quyết định thành lập công viên Tuổi trẻ giao cho Thành đoàn Hà Nội quản lý và sau đó điều chỉnh quy hoạch công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành trung tâm thanh thiếu niên Hà Nội.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2002 là 282,8 tỉ đồng, vốn ngân sách TP là 280,5 tỉ đồng do Công ty TNHH MTV đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội làm chủ đầu tư.

Trước đó năm 2000 UBND TP.Hà Nội có quyết định quy hoạch chi tiết công viên Tuổi trẻ Thủ đô quy mô 26,4ha, chức năng sử dụng đất được chia làm 8 phân khu.

Quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô tỷ lệ 1/500 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 111/2000/QÐ-UB và Ðiều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành Trung tâm thanh, thiếu niên Hà Nội tỷ lệ 1/500 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2010.

Ðến nay, quy hoạch Công viên Tuổi trẻ Thủ đô năm 2010 vẫn còn hiệu lực và chưa có quy hoạch nào thay thế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem