Sau 3 năm dạy môn tích hợp, các tỉnh thành chỉ ra 5 nhóm "thách thức" cần tháo gỡ
Sau 3 năm dạy môn tích hợp, các tỉnh, thành chỉ ra 5 nhóm "thách thức" cần tháo gỡ
Tào Nga
Thứ ba, ngày 12/12/2023 06:32 AM (GMT+7)
Đến nay dạy học tích hợp vẫn vướng với 5 nhóm vấn đề khó khăn như: thiếu giáo viên, giáo viên chưa tự tin trong giảng dạy; khó bố trí sắp xếp thời khoá biểu; chưa đồng bộ giữa chỉ đạo của Bộ GDĐT và hướng dẫn của tác giả SGK...
Năm học 2023-2024 là năm học thứ 3 thực hiện triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS. Báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà phần lớn khiến cho việc triển khai môn tích hợp gặp khó khăn.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học ở Hà Nội bày tỏ: "Việc tích hợp các môn Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) ở khối THCS đang thực sự là một thử thách rất lớn và không hiệu quả với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh".
Cô Hoàng Hải Vân, Giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, Nha Trang, Khánh Hòa, sau khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS cho thấy, đây là điều kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Tuy nhiên, việc tích hợp các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả".
Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Lịch sử Trường TH, THCS, THPT Đông Bắc Ga, Thanh Hóa đồng tình việc xem xét, điều chỉnh môn tích hợp ở cấp THCS: "Việc giữ nguyên môn tích hợp ở cấp Tiểu học thì có thể chấp nhận, nhưng từ cấp THCS trở đi là có vấn đề".
Các địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Mới đây, trong báo cáo của 33/63 Sở GDĐT cho thấy, đến nay dạy học tích hợp vẫn vướng với 5 nhóm vấn đề khó khăn như: thiếu giáo viên, giáo viên chưa tự tin trong giảng dạy; khó bố trí sắp xếp thời khoá biểu; chưa đồng bộ giữa chỉ đạo của Bộ GDĐT và hướng dẫn của tác giả SGK; khó khăn trong kiểm tra, đánh giá; không đủ thiết bị dạy học nên giờ học không đạt hiệu quả như mong muốn…
Phó GĐ Sở GDĐT Quảng Trị, ông Mai Huy Phương cho rằng, khi thực hiện chương trình mới ở bậc THCS, địa phương đã ưu tiên, chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp nhưng khi khảo sát thầy cô vẫn chưa đủ tự tin đứng lớp. Những năm đầu tiên, Bộ GDĐT có hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học các chủ đề theo lô gic tuyến tính nhưng thực tế triển khai lại rất vướng. Bởi vì, các chủ đề có mức độ tích hợp rất ít, trong khi phụ huynh, giáo viên băn khoăn với năng lực, tâm lý lứa tuổi, học sinh tiếp nhận theo hình thức cuốn chiếu có phù hợp hay không. Sau những băn khoăn, nghi ngại thời gian đầu, đến năm học 2023-2024, Bộ GDĐT một lần nữa có hướng dẫn linh hoạt hơn cho các trường, trong đó ưu tiên đảm bảo chất lượng đội ngũ nên vấn đề khó trong bố trí giáo viên đứng lớp được tháo gỡ.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Nam Định Vũ Đức Thọ thông tin: Thời gian qua, Sở GDĐT Nam Định đã ban hành các văn bản, tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng liên quan đến việc triển khai các môn học mới, trong đó có môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên tại địa phương.
Đến nay, về cơ bản, sau khi được hướng dẫn theo công văn của Bộ GDĐT, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai tại các cơ sở giáo dục đã được tháo gỡ. Để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tỉnh đã cử 182 giáo viên biệt phái nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu đổi mới chương trình, đặc biệt là tổng số giờ triển khai môn học trong một năm được bảo đảm.
Chủ động khắc phục những khó khăn đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng Đỗ Văn Lợi chia sẻ: Sở GDĐT đã xây dựng đề án bồi dưỡng giáo viên trình UBND tỉnh. Trong đó, Sở GDĐT phối hợp với các trường đại học bồi dưỡng cho các giáo viên để một giáo viên có thể đáp ứng được dạy nhiều nội dung trong các môn học.
Bên cạnh đó, để giáo viên có thể thực hành, Sở GDĐT Hải Phòng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề cấp thành phố nhằm cung cấp, thực hiện phương pháp dạy học mẫu. Sau mỗi hội nghị, tiếp tục triển khai rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thực tế nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ.
Chia sẻ về khó khăn khi triển khai thực hiện môn tích hợp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ và ghi nhận các thầy cô giáo đã vượt qua vất vả, nỗ lực rất nhiều để tháo gỡ, hướng đến lợi ích cuối cùng là vì học sinh
Để công tác dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin triển khai tại các địa phương. Nơi nào khó khăn thì phải tháo gỡ, nơi nào làm tốt thì phải nhân rộng, nơi nào chểnh mảng cần có văn bản xử lý kịp thời để mang lại hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường, rõ nét hơn nữa về chức năng, công tác quản lý hành chính của cơ quan Bộ. Đề nghị đơn vị thuộc Bộ GDĐT tiếp tục nghiên cứu các chuyên đề để tổ chức tập huấn.
Ngoài ra, địa phương cần tập trung đảm bảo nguồn lực, rà soát chế độ, chính sách, đãi ngộ cho giáo viên. Đặc biệt cần có những hình thức khen thưởng đối với các giáo viên có thành tích trong đổi mới giáo dục. Đó là sự ghi nhận, tạo ra sức mạnh, nguồn lực để vượt khó, thực hiện chương trình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.