Sau chuyển giao, CB và OceanBank hoạt động như thế nào?

Linh Anh Thứ sáu, ngày 18/10/2024 13:57 PM (GMT+7)
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, theo luật các tổ chức tín dụng, CB và OceanBank vẫn là các pháp nhân hoạt động độc lập và sẽ không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính với hai ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc là Vietcombank và MB.
Bình luận 0

Vietcombank, MB sở hữu 100% vốn điều lệ CB và OceanBank

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Theo nhà điều hành, việc chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các NHTM TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Như vậy, CB và OceanBank vẫn là các pháp nhân hoạt động độc lập. Đồng thời, 2 ngân hàng yếu kém này sẽ không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính với Vietcombank và MB.

Sau chuyển giao, CB và OceanBank hoạt động như thế nào? - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.

Đồng thời, theo luật các TCTD, đối với Vietcombank và MB, khoản vốn góp vào CB và OceanBank không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.

Sau chuyển giao, CB và OceanBank hoạt động như thế nào?

Nhà điều hành thông tin thêm, dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Phía Vietcombank cho biết, nhà băng này sẽ thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với CB theo quy định. Vietcombank không góp vốn vào CB trong thời gian CB còn lỗ lũy kế; Vietcombank tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tương tự, xác định việc nhận chuyển giao bắt buộc và thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng và có rất nhiều thách thức, khó khăn, Chủ tịch Vietcombank khẳng định sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giúp ổn định thị trường tài chính, tiền tệ và tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, công chúng với hệ thống ngân hàng.

"Để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này đòi hỏi trách nhiệm lớn của cả hệ thống Vietcombank để nỗ lực đưa CB từ vị trí một ngân hàng yếu kém, đang bị kiểm soát đặc biệt trở thành ngân hàng thương mại hoạt động bình thường và phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế", ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Cũng tại lễ chuyển giao, MB cho biết, đơn vị này sẽ ưu tiên nguồn lực từ phát triển kinh doanh, nguồn vốn, công nghệ, nhân sự... để hỗ trợ thành viên mới OceanBank vào tập đoàn.

"OceanBank sẽ được tái cơ cấu với chiến lược phát triển dài hạn và được đầu tư bài bản, hướng đến một ngân hàng hiện đại, an toàn và bền vững", thông cáo từ MB cho hay.

Cùng với đó, Hội đồng quản trị MB quyết định cử ông Lê Xuân Vũ, Thành viên Ban điều hành MB là Người đại diện MB, đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực của OceanBank.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem