Chính phủ chỉ đạo "nóng" về chuyển giao các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

An Linh Thứ tư, ngày 19/06/2024 08:37 AM (GMT+7)
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt gửi Chính phủ, ngay trong tháng 6 này.
Bình luận 0

Chính phủ chỉ đạo hàng loạt vấn đề cấp bách của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát và ổn định kinh tế vĩ mô, một trong những giải pháp trọng tâm Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có ngay giải pháp giảm lãi cho vay.

Chính phủ chỉ đạo

Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), gân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nằm trong danh sách ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được yêu cầu sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

NHNN phải "làm việc ngay với các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay".

Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng, tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…

Chính phủ đặt vấn đề ưu tiên điều hành nền kinh tế hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4 - 4,5%).

Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, phối hợp đồng bộ, hòa hài với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời. Chính phủ yêu cầu cả hệ thống phải bản lĩnh, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, lo sợ.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo tinh thần chủ động "tấn công, phòng ngự" từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát, từ cơ sở.

Đối với các bộ chuyên ngành khác, Chính phủ cũng đặt ra các yêu cầu cụ thể.

Theo đó, Bộ Xây dựng cần phối hợp với NHNN, các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng và khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương....

Bộ Tài chính được yêu cầu nhanh chóng chấn chỉnh, rà soát các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2024.

Đối với lĩnh vực điện, Bộ Công Thương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, trong đó quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trong tháng 6 năm 2024.

Ủy ban Quản lý vốn khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với: Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt - Trung, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Bộ Y tế khẩn trương có phương án xử lý đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tinh thần là "Không để chậm trễ hơn nữa, kịp thời báo cáo, đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền", Nghị quyết của Chính phủ nêu.

Thời điểm tháng 7/2024 sẽ tăng lương, vì vậy Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể.

Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lộ trình điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý, nhất là điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải làm tốt công tác lưu thông, phân phối hàng hoá, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến.

Chính phủ yêu cầu các biện pháp cung ứng phải thực hiện tốt trong thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao, đặc biệt đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem