Sau Tết Nguyên đán, 100% học sinh bậc nào đến trường học trực tiếp?

A.T Thứ sáu, ngày 28/01/2022 16:25 PM (GMT+7)
Theo Bộ GDĐT, dự kiến đến ngày 7/2, 100% học sinh bậc THPT sẽ đến trường học trực tiếp (hơn 2 triệu em).
Bình luận 0

Dự kiến hơn 17,1 triệu học sinh được đến trường học trực tiếp sau Tết

Theo Bộ GDĐT, tính đến 17h ngày 25/1/2022 cả nước có 14 tỉnh, thành phố cho học sinh trực tiếp đến trường; 30 tỉnh, thành dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình; 19 tỉnh, thành phố dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Tổng số học sinh được đến trường là hơn 15,6/22,6 triệu em, chiếm 69,3% học sinh cả nước.

Sau Tết Nguyên đán, 100% học sinh bậc nào đến trường học trực tiếp? - Ảnh 1.

Theo nhiều chuyên gia, mở cửa trường học là việc làm cần thiết, nhằm tránh những hệ lụy từ việc học sinh không được đến trường quá lâu. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM ngày đầu tiên đến trường học trực tiếp hồi tháng 10/2021 Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dự kiến, đến ngày 7/2/2022, tổng số học sinh được đến trường là hơn 17,1 triệu học sinh (75,71%), trong đó có 51 tỉnh, thành cho trẻ mầm non đến trường với hơn 3,7 triệu em, 53 địa phương cho học sinh tiểu học đến trường với hơn 6,2 triệu em.

Ở khối THCS, có 57/63 tỉnh, thành cho học sinh đến trường với hơn 4,45 triệu em (78%).

Ở khối THPT, dự kiến đến ngày 7/2, 100% học sinh bậc THPT sẽ đến trường học trực tiếp.

Riêng khối Đại học, cao đẳng, khoảng 91% số trường có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.

"Quyết định cho học sinh trở lại trường học là vì quyền lợi các em"

Ngày 27/1/2022, Bộ GDĐT đã ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản nhất, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GDĐT và Tổ chức Y tế thế giới.

Trước đó, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc mở cửa trường học, trong đó, căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2/2022.

Bộ GDĐT cũng yêu cầu các Sở GDĐT triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nắm bắt thông tin từ phía phụ huynh học sinh về việc cho trẻ em, học sinh (đặc biệt là trẻ mầm non, học sinh tiểu học) trở lại trường học trực tiếp; phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; diễn biến tâm lý của trẻ em, học sinh nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ học sinh, giúp các em có nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng phòng chống dịch bệnh để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, đảm bảo ổn định việc học tập và rèn luyện cho các em.

Theo các chuyên gia, mở cửa trường học là việc làm cần thiết, tránh hệ lụy sức khỏe tinh thần và thể chất đối với các em.

Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam bà Simone Vis cho biết, tổ chức này có bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập. Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.

"Quyết định cho học sinh trở lại trường học là vì quyền lợi các em", Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam nói.

Qua báo chí, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đã công bố số liệu đánh giá về mức độ ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh và học online, dựa trên kết quả nghiên cứu hơn 20.000 học sinh trên toàn quốc khi các em trải qua 6 tháng học trực tuyến.

Cụ thể, có 65,1% học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng. Trong số này, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng, 41,8% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, trong đó có 14,3% ở mức nặng và rất rặng; 34,4% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó có 8,3% ở mức nặng và rất rặng.

Vị tiến sĩ khẳng định, giải pháp cho tình trạng này là học sinh cần phải được trả về môi trường học đường càng sớm càng tốt. Không phải là môi trường học online, mà là môi trường học trực tiếp, với những mối quan hệ thực, trong không gian thật, cần để cho học sinh thoát ra khỏi thế giới ảo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem