Sau Tết và "cơn lốc" trẻ ly hương

Thứ tư, ngày 16/02/2011 19:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau Tết, trẻ em ở Thừa Thiên-Huế lại ồ ạt vào Nam mưu sinh sau những ngắn ngủi sum họp gia đình. Vì nghèo khó chúng buộc phải ly hương.
Bình luận 0

Nước mắt chia ly

img

Hai anh em Nguyễn Mộng (16 tuổi) và Nguyễn Trung (15 tuổi) đã có thâm niên 3 năm làm thuê cho một xưởng may "đen" ở TP. HCM.

Sáng sớm, chiếc xe khách chạy tuyến Huế - TP.HCM dừng bánh bên tuyến đường đoạn gần thôn Thanh Mỹ, xã Phú Diên (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) hú lên một hồi còi ing ỏi gọi khách. Hàng chục bậc cha mẹ ở khu tái định cư thôn Thanh Mỹ rầu rĩ tiễn những đứa trẻ là con mình lên xe vào Nam. Ba cha con anh Trần Mộng gầy gò tay xách nách mang, bước chầm chậm về chiếc xe khách đang đỗ.

Hai đứa con trai của anh Mộng là Trần Phụng và Trần Nam về quê từ hôm 29 Tết. Phụng là con đầu, năm nay tròn 14 tuổi và đã có thời gian gần 3 năm làm thợ may ở TP.HCM. Nam là con thứ hai, năm nay 12 tuổi, làm nghề bán hàng rong ở TP.HCM đã 2 năm. Anh Mộng mắt ngấn nước, dơ tay xoa lên đầu tóc cháy nắng của hai con trai rồi giục chúng lên xe. Hai con anh không nói câu nào, vội ôm chầm lấy cha khóc nghẹn ngào một lúc rồi bước lên xe.

"Hai đứa về Tết được mấy ngày, chừ vào làm lại. Chúng phải lao động cực lắm, nhưng hoàn cảnh mình cùng cực nên không biết làm cách nào khác"- anh Mộng gạt nước mắt nói. Nói đoạn, anh bước lên xe nhìn hai đứa con đang ngồi chen chúc giữa hàng chục đứa trẻ lem luốc lần nữa rồi lủi thủi bước về nhà.

Cách đó mấy trăm mét, chị Trần Thị Mai dẫn theo hai đứa con gầy đét chạy hớt hải gọi nhà xe. Xe dừng bánh, hai đứa con chị Mai mắt đỏ hoe bước lên. Chị Mai đứng ngoài, nước mắt lưng tròng, dơ tay vẫy vẫy, tiếng nói lẫn vào tiếng gầm gừ của xe khách: "Các con đi mạnh giỏi...". Vợ chồng chị Mai có 3 đứa con. Hai đứa lên xe đi vào Nam hôm nay là người con trai đầu Nguyễn Tòa (16 tuổi) và người con thứ hai Nguyễn Thị Ánh (14 tuổi). Cả Tòa và Ánh đi làm thuê ở miền Nam đã 2 năm nay.

Ngày vợ chồng chị Mai buộc Tòa và Ánh nghỉ học đi Nam làm thuê, hai đứa trẻ đã khóc ròng mấy ngày liền vì cả hai đều ham học và học giỏi. Nhưng nghề chài lưới bấp bênh, gia đình trượt dài trong nghèo đói, chồng lại trong cơn bạo bệnh nên chị Mai không còn lựa chọn nào khác.

"Cơn lốc" trẻ ly hương

Ngoài tình trạng trẻ em bỏ học sớm để đi lao động ở các địa phương trong nước, nhất là TP.HCM, thời gian gần đây ở Thừa Thiên - Huế còn xuất hiện trẻ em đi lao động ở nước ngoài, nhiều nhất là Lào để kiếm tiền về cho gia đình.

Bà Võ Thị Kim Khánh - Phó Chi cục Bảo vệ

và Chăm sóc trẻ em Thừa Thiên- Huế

Đến ngày mùng 10 Tết, khu tái định cư thôn Thanh Mỹ lại vắng lặng bởi chỉ còn người lớn và những trẻ rất nhỏ. Những trẻ từ 10 tuổi trở lên hầu hết đã rời quê vào Nam.

Nghe hỏi chuyện trẻ em đi Nam sau Tết, ông Trần Thê - một cư dân ở đây cho biết: "Khu tái định cư ni nhà mô cũng có trẻ đi Nam làm thuê hết, nhà nhiều thì 3-4 đứa, nhà ít 1-2 đứa, tổng cộng khoảng 100 trẻ đi Nam".

Khu tái định cư thôn Thanh Mỹ có tổng cộng 58 hộ vốn là dân vạn đò sống trên phá Tam Giang của xã Phú Diên được đưa lên bờ tái định cư.

Từ khi lên bờ, cuộc sống của họ vẫn là những chuỗi ngày cùng cực bởi vẫn phải mưu sinh bằng nghề chài lưới bấp bênh trong khi lượng tôm cá trên đầm phá ngày càng cạn kiệt. Họ không có mặt nước để nuôi trồng thủy sản, không có đất đai để chuyển nghề nên con cái vừa lớn lên đã phải đi vào Nam làm thuê kiếm tiền gửi về cho cha mẹ.

Không chỉ khu tái định cư thôn Thanh Mỹ mà các thôn khác của xã Phú Diên và các xã khác như: Phú Hải, thị trấn Thuận An (Phú Vang), Vinh Hiền, Vinh Giang, Lộc Điền, Vinh Hưng, thị trấn Phú Lộc… (Phú Lộc) cũng có hàng nghìn trẻ em ùn ùn vào Nam kiếm sống sau Tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem