Sau thẻ vàng của EU lại đến Mỹ sẽ quyết định "số phận" cá tra VN

Đình Thắng-Trung Chánh Thứ tư, ngày 25/10/2017 17:45 PM (GMT+7)
Liên quan đến yêu cầu công nhận tương đương cho ngành cá tra Việt Nam trong chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, nhiều khả năng tháng 3/2018 sẽ là thời hạn cuối để Mỹ đưa ra quyết định.
Bình luận 0

Hải sản Việt Nam chỉ có 6 tháng để lấy lại "thẻ xanh"

Việc Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức “rút thẻ vàng” cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp đã trở thành một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu (XK) hải sản Việt Nam.

Theo đó, những hệ lụy có thể xảy ra như uy tín và thương hiệu của ngành hải sản Việt Nam bị ảnh hưởng; XK sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc XK sang các thị trường khác như Mỹ - nước đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1.1.2018.

img

Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản XK sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. 

Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản XK sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, và điều này làm mất thời gian và tăng chi phí cho doanh nghiệp XK...Việt Nam có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc vị cấm XK các mặt hàng hải sản sang EU.

Tuy nhiên, việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Nhận thức rất rõ sự cần thiết tuân thủ các quy định IUU của EU cũng như quyết tâm chống các hoạt động khai thác IUU, trong thời gian qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các DN chế biến và XK hải sản đã thống nhất và quyết tâm thực hiện chương trình hành động chống khai thác IUU với sự tham gia cam kết của 75 nhà máy chế biến và XK hải sản (tính đến ngày 25/10/2017).

Theo đó, Hiệp hội đã và đang chung tay với Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT, hợp tác với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện chương trình hành động quốc gia chống khai thác IUU.

img

Ngư dân Bình Định vận chuyển cá ngừ đại dương đi tiêu thụ. Ảnh: I.T

Sau EU sẽ đến lượt Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu cá tra?

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Quy chuẩn Việt Nam về nước thải chế biến thủy sản - nỗ lực tuân thủ của các nhà máy chế biến thủy sản và các khó khăn, bất cập” được tổ chức hôm 23.10 tại TPHCM, ông Trương Đình Hòe cho biết, sau EU, tháng 3.2018 tới sẽ biết được Mỹ có cấm hay không đối với việc nhập khẩu cá tra Việt Nam. Bởi, đó có thể là thời hạn cuối để Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra quyết định công nhận tương đương cho ngành cá tra Việt Nam.

“Nếu họ công nhận tương đương, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, còn không công nhận, thì coi như không đủ điều kiện để xuất khẩu nữa”, ông Hòe nói.

Tuy nhiên, theo ông Hòe, phía Mỹ có thể đưa ra quyết định xét công nhận tương đương cho ngành cá tra sớm hơn, nhưng cũng có thể muộn hơn thời điểm tháng 3.2018. Bởi, thời hạn trên do doanh nghiệp đưa ra dựa trên phân tích nhiều nguồn thông tin khác nhau, chứ chưa phải là thông báo chính thức của Mỹ.

img

Tình hình xuất khẩu cá tra cũng như các sản phẩm hải sản khác của Việt Nam ngày càng khó khăn. Ảnh minh họa

Trước đó, thông tin từ Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NNPTNT cho biết, thực hiện chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, ngày 18.8.2017, Nafiqad đã gửi cho FSIS bộ hồ sơ phục vụ quá trình đánh giá tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam do FSIS thực hiện. “Hồ sơ bao gồm bản trả lời câu hỏi (SRT- Self-Reporting Tool) và trên 1.500 trang tài liệu kèm theo”, thông tin của Nafiqad viết.

Theo yêu cầu của Mỹ, trước ngày 1.9.2017, tức trong thời gian chuyển tiếp 18 tháng (từ ngày 1-3-2016 đến 31-8-2017), các nước xuất khẩu sản phẩm cá da trơn vào Mỹ, bao gồm Việt Nam phải hoàn thành bước số 2 trong quy trình 6 bước để được công nhận tương đương.

Theo đó, 6 bước của quy trình công nhận tương tương gồm bước 1, nước xuất khẩu yêu cầu FSIS đánh giá tương đương; bước 2, nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT) và các hồ sơ kèm theo; bước 3, FSIS yêu cầu bổ sung thông tin, FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ; bước 4, thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu; bước 5, thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý; bước 6 là công nhận tương đương (bằng một quy định chính thức).

Với việc Nafiqad hoàn tất nộp hồ sơ yêu cầu công nhận tương đương trước thời hạn 1.9.2017, việc xuất khẩu cá tra Việt Nam nói riêng và cá da trơn nói chung sang Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, như nêu ở trên, nếu đến tháng 3.2018, có thể là thời hạn cuối cùng để phía Mỹ đưa ra quyết định công nhận tương đương và nếu bị đánh giá “rớt”, thì đồng nghĩa xuất khẩu loại thủy sản này của Việt Nam vào Mỹ sẽ bị đóng lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem