Sau vụ lật tàu: Nỗi niềm ít ai thấu của nhân viên gác chắn

Thứ sáu, ngày 25/05/2018 07:50 AM (GMT+7)
18 năm theo công việc nhân viên gác chắn tàu, cô Nguyễn Thị Năm cho hay công việc của cô vất vả, hiểm nguy và không ít lần cô bị người tham gia giao thông chửi bới, xúc phạm...
Bình luận 0

Có mặt tại trạm chắn tàu Linh Đàm (Hà Nội) vào một buổi chiều nắng nóng gay gắt của mùa hè, với nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ C, nhưng theo quan sát của PV, những nhân viên gác chắn tàu tại đây không quản ngại nắng nóng, đang đứng kéo tấm barie chắn ngang con đường, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Video: Nỗi niềm của người làm công việc gác chắn tàu.

Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, cô Nguyễn Thị Năm (SN 1967, Hà Nội), nhân viên gác chắn tàu có thâm niên công tác lâu năm bộc bạch: “Năm 2000 chạm chắn tàu Linh Đàm mở và đi vào hoạt động, lúc đó tôi cũng bắt đầu vào làm và gắn bó cho đến nay cũng đã được 18 năm. Những ngày đầu tiên bước chân vào công việc là nhân viên chạm chắn tàu, khi người dân không nghe theo hiệu lệnh mà nước mắt tôi trực trào”.

img

Nhân viên gác chắn tàu làm việc bất kể trời mưa hay nắng.

18 năm theo nghề là 18 năm cô Năm chứng kiến rất nhiều tình huống người tham gia giao thông có ý thức vô cùng kém, cô Năm kể: “Có những lúc tôi đóng thanh chắn gần hết rồi nhưng xe vượt lên khi đó thì tôi vội quan sát và đành phải nhìn chiếc xe cố lách khỏi thanh chắn đi mất”.

Khi nhắc đến những nỗi nhọc nhằn trong nghề, giọng của cô Năm nghẹn lại: “Không chỉ các phương tiện cố lách khỏi thanh chắn khi có tín hiệu báo tàu sắp chạy qua, mà có hôm tôi và những đồng nghiệp khác còn bị chửi mắng, bị người tham gia giao thông văng tục, có những nam thanh niên xăm trổ, bặm trợn nói “mở thanh chắn cho tao đi”, lúc đó tôi đành phải mở cho đi không thì bị ăn tát rồi. Tôi đã chứng kiến và trải qua rất nhiều lần như thế”.

“Chúng tôi làm nghề này nguy hiểm, phức tạp, chưa kể ban đêm lại “đơn phương độc mã” vì khi đó chỉ có hai người đứng gác, còn người dân thì đã đi ngủ hết. Nhiều khi báo hiệu tàu sắp đến, đóng chắn rồi vẫn có những người tham gia giao thông đến yêu cầu tôi với giọng đầy thách thức “chúng mày mở chắn ra”. Khi đó, cảm thấy mở được thì tôi sẽ mở cho đi, còn không mở được thì đành phải biến thành “người câm điếc”, coi như không quan tâm đến những lời mắng chửi của họ””, cô Năm chia sẻ thêm về những lần mình bị “ăn chửi”.

img

Cô Năm kể về những lần mình và đồng nghiệp bị người tham gia giao thông kém ý thức mắng chửi.

Không chỉ bị áp lực về những lời mắng chửi vô cớ của người tham gia giao thông, cô Năm cho biết đồng lương của người làm nghề gác chắn tàu cũng không được cao: “Từ đầu năm đến nay trạm chắn của tôi có nhiều người đến và nghỉ làm vì không chịu nổi áp lực, không chỉ đồng lương ít ỏi mà thời gian làm việc gò bó, mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng đồng hồ, có tháng tôi làm đến 31 ngày công như vậy là không có ngày nghỉ cuối tuần”.

Cô Năm bảo rằng làm nghề nhân viên gác chắn tàu là phải biết sợ: “Có nghĩa là khi đoàn tàu chuẩn bị đến mà đường đông đúc, tắc nghẽn nhân viên gác chắn tàu phải mạnh dạn, quyết đoán kéo được thanh chắn ra, để đoàn tàu chạy qua an toàn thì khi đó mình mới thở phào nhẹ nhõm. Nghề của chúng tôi trông thế thôi, nhưng trách nhiệm rất cao đối với người tham gia giao thông”.

img

Nữ nhân viên gác chắn tàu này chỉ mong người tham gia giao thông có ý thức quan sát hơn một chút.

Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, cô Năm luôn nói “nghề của chúng tôi là nghề đứng đường”, “nghề lắm hiểm nguy”, “nghề vất vả cực nhọc”, nhưng cô Năm tâm sự thêm: “Khi nhận về những lời lẽ thiếu văn hóa từ người tham gia giao thông, rồi vẫn có những bộ phận người đi đường thiếu ý thức, lách qua barie để sang đường...đã có lúc tôi muốn dừng công việc này lại. Nhưng, cứ nghĩ đến nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông là tôi lại cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ. Phải thật sự tâm huyết, yêu nghề thì mới có thể gắn bó lâu năm được”.

Theo lời của nữ nhân viên gác chắn tàu này, đường ngang dân sinh hoặc đường ngang tự mở đều có lắp chuông kêu, có đèn báo. Nên cô Năm cũng đưa ra lời nhắn nhủ: “Đối với các phương tiện ít qua đường sắt, đến điểm đường cắt ngang thì nên có ý thức dừng lại quan sát thì sẽ ít khi xảy ra tai nạn đường sắt nghiêm trọng”.

Thanh Lam (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem