Tàu về ga mới thở phào nhẹ nhõm
Sau chuyến hành trình dài từ TP.HCM ra Hà Nội, khuôn mặt ông Nguyễn Cảnh Dương (SN 1965 - Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội) lộ rõ vẻ mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng ông vẫn dành chút ít thời gian, trải lòng với chúng tôi về câu chuyện nghề đầy rẫy nguy hiểm và ám ảnh của mình.
Giọng chậm rãi, ông Dương chia sẻ: “Tôi vào nghề đến nay được hơn 30 năm. Phần lớn tôi chạy tàu Bắc - Nam, mỗi ca làm việc của tôi kéo dài khoảng 30 tiếng. Chỉ khi nào tàu về đến ga Hà Nội an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương lộ vẻ mệt mỏi sau chuyến hành trình dài.
Theo ông Dương, các lái tàu ngoài việc phải rèn thói quen bình tĩnh, tập trung, họ còn phải luyện tập cho mình một thần kinh vững vàng nếu không sẽ khó bám trụ được với nghề. Bởi mỗi ngày, trên các cung đường họ đi qua đều tiềm ẩn những vụ tai nạn đường sắt thương tâm.
Tuy nhiên, lái tàu Dương thừa nhận, nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trước mắt vẫn khiến ông bị sốc hàng tháng trời.
Ông nói: “Từng đối mặt với nhiều vụ tai nạn giao thông nhưng sự cố vào dịp Tết Nguyên đán cách đây 2 năm vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ”.
Lái tàu sinh năm 1965 chia sẻ, năm đó vào mùng 2 Tết, ông điều khiển chuyến tàu Thống Nhất theo hướng TP.HCM - Hà Nội.
Tâm trạng ông và đồng nghiệp lúc này khá vui vẻ và háo hức vì sắp được đoàn tụ cùng gia đình. Khi tàu đi đến địa phận miền Trung thì bất ngờ gặp sự cố đáng tiếc.
Ông kể: “Thời điểm đó vào 12h đêm, tàu đang chuẩn bị băng qua khu vực đường ngang dân sinh. Theo quy định, tôi thực hiện các thao tác cảnh báo, kéo còi và đèn hiệu. Lúc này tôi chợt phát hiện phía trước có một người phụ nữ bụng bầu, tay ôm đứa con nhỏ khoảng 3 tuổi có nhiều biểu hiện lạ”.
Vẫn theo lời ông Dương, chị ta bế con leo lên đường ray rồi bất ngờ ngồi xuống giữa đường tàu.
Ông Dương thấy vậy, vội kéo còi liên tục để cảnh báo nhưng người phụ nữ vẫn ngồi một cách bình thản, không có dấu hiệu di chuyển hay sợ hãi.
Với kinh nghiệm lâu năm của mình, ông Dương phán đoán người phụ nữ này đang có ý định tử tự nên quyết định cho tàu dừng khẩn cấp. Đáng tiếc, do khoảng cách quá gần nên đầu tàu đã đâm thẳng vào hai mẹ con họ.
Ông vội báo cáo với trưởng tàu đưa thi thể hai mẹ con họ ra ngoài, chờ cơ quan chức năng và người nhà đến giải quyết.
Nhìn từng mảnh thi thể của người xấu số, trong lòng ông Dương bỗng thấy quặn thắt đến nhói lòng, không có ngôn từ nào diễn tả nổi…
Một tiếng sau khi tai nạn xảy ra, chồng của nạn nhân mới có mặt. Tìm hiểu câu chuyện, ông mới biết người phụ nữ này có mâu thuẫn với gia đình chồng nhiều năm nay.
Sáng mùng 2 Tết chị xin phép nhà chồng về thăm bố mẹ đẻ nhưng không được đồng ý nên chị ôm con bỏ đi, khi ngang qua đường sắt, thấy tàu sắp đến, chị quẫn trí lao vào đoàn tàu quyên sinh.
“Suốt 3 tháng sau đó tôi không tài nào ngủ được, hễ nhắm mắt lại là hình ảnh thai phụ đó hiện lên rõ mồn một. Lúc nào trong tai tôi cũng nghe văng vẳng tiếng còi tàu, tiếng bánh xe tàu hỏa phanh gấp đến rợn người”, ông Dương kể.
Lái tàu này cho hay, nhiều vụ tai nạn ông biết họ sẽ chết mà không thể cứu được.
Ông giải thích, các phương tiện như ô tô, xe máy nếu phanh thì phương tiện sẽ dừng lại ngay nhưng với tàu hỏa thì khác. Khoảng cách an toàn nhất với đoàn tàu là 800m, với khoảng cách này, tàu dừng đúng lúc sẽ tránh được tai nạn. Nếu khoảng cách quá gần thì các lái tàu không thể làm gì hơn bởi sau khi dừng, tàu vẫn tiếp tục trượt trên đường ray một khoảng nữa do quán tính.
Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương cho biết thêm, sau vụ tai nạn ông bị sang chấn tâm lý nặng nề, phải xin nghỉ ngơi ở nhà, điều trị tâm lý một thời gian dài mới quay trở lại với công việc.
Sống cảnh "Ngưu Lang - Chức Nữ"
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Sơn (SN 1966) - đồng nghiệp của ông Dương chia sẻ, bên cạnh việc phải đối mặt với những vụ tai nạn thương tâm, các lái tàu còn gặp nhiều sự cố khác do thiên tai gây ra.
Ông Hoàng Ngọc Sơn chia sẻ, do quanh năm suốt tháng rong ruổi Bắc - Nam nên đến tuổi này ông vẫn chưa có được mái ấm cho riêng mình.
Điển hình là trận bão lịch sử cách đây 2 năm. Khi đó, ông đang điều khiển tàu di chuyển vào TP.HCM thì gặp bão. Mưa bão tầm tã khiến khắp nơi lụt lội.
Theo lệnh điều động, ông cho tàu dừng ở ga Huế. Ông cùng các đồng nghiệp trên tàu phối hợp với bộ đội biên phòng, cơ quan chức năng sơ tán hành khách đến nơi an toàn.
Suốt cả tuần mưa bão, giữa bốn bề mênh mông ngập nước, ông và đồng nghiệp ở lại trông coi tàu. Họ sống trong cảnh kham khổ, ăn uống tạm bợ, nhằm đảm bảo an ninh cho tàu, đợi bão tan để tiếp tục hành trình.
Ông Sơn bộc bạch, do tính chất công việc thường xuyên xa nhà, quanh năm suốt tháng rong ruổi trên các hành trình nên ông gặp khó khăn trong việc tìm được một người phụ nữ thông cảm và thấu hiểu, cùng mình xây dựng mái ấm gia đình.
Một số lái tàu khác thì may mắn hơn được se duyên với người trong nghề. Nhưng họ phải sống cảnh "Ngưu Lang - Chức Nữ", cả tháng vợ chồng gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Như trường hợp đồng nghiệp tên Tuấn của ông làm tàu Thống Nhất, vợ làm tàu Vinh - Nghệ An. Từ ngày kết hôn, hai vợ chồng làm khác ca, lệch giờ nên họ ít có thời gian ở bên nhau. Vì vậy, mỗi lần tàu về Hà Nội, họ tranh thủ quỹ thời gian hiếm hoi rủ nhau đi nhà nghỉ hàn huyên, tâm sự để hâm nóng tình cảm.
“Bất kể ai làm nghề này đều xác định việc phải hy sinh thời gian dành cho gia đình. Mặc dù vậy, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đó là điều thiệt thòi hay chán nản muốn bỏ nghề” - ông Sơn bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.