Sau vụ Yên Bái: Đề xuất không cho mang súng về nhà liệu có khả thi?

Thứ năm, ngày 25/08/2016 10:02 AM (GMT+7)
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, đề xuất không cho người được cấp súng mang súng về nhà tưởng có thể quản lý chặt chẽ nhưng thực tế khó khả thi.
Bình luận 0

Sau vụ việc giết người rúng động Yên Bái (sáng 18/8), khi đó, nghi phạm Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh này đã dùng súng (được cấp để làm việc) sát hại Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh, thành viên Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội đề nghị phải quy định, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng được trang bị súng.

img

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đề xuất không cho người được dùng súng mang súng về nhà khó khả thi. (Ảnh: Dương Thu).

Theo đó, tại buổi nhóm họp để thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban Quốc phòng – An ninh mới đây, có ý kiến cho rằng, cán bộ khi làm nhiệm vụ xong về phải nộp lại súng, để tránh những tình huống sử dụng sai mục đích, gây hậu quả nghiêm trọng.

Để hiểu đầy đủ hơn câu chuyện, PV báo Người Đưa Tin có trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận về sự việc này.

Ông đánh giá như thế nào về đề xuất không cho người được dùng súng mang súng về nhà?

-ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nghĩ việc này không khả thi. Vấn đề đặt ra như vậy tưởng rằng có thể quản lý chặt chẽ, nhưng điều đó lại khó đi vào thực tiễn. Bởi, ngay như vụ việc ở Yên Bái, nghi phạm Đỗ Cường Minh là người đứng đầu một cơ quan được giao trách nhiệm quản lý súng. Vậy, trong hành động của mình, việc ông Minh muốn làm gì với vũ khí thì khó ai có thể ngăn cản được, nhất lại là cấp dưới.

Nếu như người cấp trên có lệnh công tác gấp, chắc chắn không thiếu cách để có thể mang súng ra khỏi cơ quan. Cấp dưới sẽ khó lòng làm sai lệnh cấp trên. Bởi vậy, tôi thấy nếu có quy định cấm mang súng về nhà cũng chỉ là hình thức.

Vậy, ông có quan điểm thế nào trước việc siết chặt quản lý sử dụng vũ khí, nhất là các đối tượng cán bộ được giao súng theo quy định của pháp luật?

-ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Điều quan trọng là ý thức của người sử dụng súng. Người được giao súng có sử dụng đúng mục đích hay không. Muốn tạo thành nề nếp trong việc sử dụng súng đạn thì bản thân những người lãnh đạo sẽ tự giác không bao giờ mang sử dụng với mục đích cá nhân.

Tình huống ở Yên Bái cũng chỉ là hi hữu, đối tượng đã chủ động trong việc sử dụng súng bắn hai lãnh đạo. Như vậy, rất khó để ngăn cản hành vi phạm tội.

Có ý kiến cho rằng, vấn đề quản lý súng đạn hiện nay đang tồn tại nhiều lỗ hổng. Ông đánh giá sao về việc này và làm thế nào để quản lý một cách tốt hơn, tránh những việc đáng tiếc như vụ việc ở Yên Bái vừa qua?

-ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Quy định của pháp luật chỉ là một mặt của vấn đề. Việc chấp hành các quy định đó một cách nghiêm túc phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người đứng đầu.

Nhiều người cho rằng, việc quản lý súng đạn đang có lỗ hổng, nhưng, làm thế nào để quản lý chặt chẽ thêm là điều cần tính. Không nên đề xuất những việc khó khả thi, không những không siết chặt được khâu quản lý mà còn thêm rắc rối.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện) (Người đưa tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem