Khôi phục trang phục người MôngMỷ kể: “18 tuổi mình lấy chồng, được bố mẹ chia cho 1,5ha đất ruộng và 2,5ha đất nương để sản xuất, nhưng hai vợ chồng chỉ biết trồng lúa nương, ngô nên năng suất thấp, mỗi năm vẫn thiếu ăn đến 2- 3 tháng. Năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ giống, vợ chồng mình mạnh dạn đưa giống ngô mới và lúa lai năng suất cao vào trồng. Vụ thu hoạch đó gia đình mình đủ lương thực ăn. Năm sau, mình còn trồng thêm 1,5ha thảo quả, cũng cho tiền lãi 15 triệu đồng. Nhưng làm nông nghiệp, cố gắng lắm thì gia đình cũng chỉ đủ ăn. Mình nghĩ phải làm thêm việc gì mới có thể khấm khá được”.
Chị Vừ Thị Mỷ miệt mài bên chiếc máy khâu may trang phục người Mông.
Một hôm, Mỷ đi chợ phiên thấy các quầy bán quần áo rất lộn xộn, thiếu vắng trang phục dân tộc Mông truyền thống. Mỷ nghĩ thầm: “Mẹ đã dạy mình nghề may, sao mình không khôi phục nghề may trang phục dân tộc Mông, phục vụ chị em”.
Nghĩ sao, làm vậy, Mỷ dùng máy khâu cũ trong nhà, may bộ váy áo cho một chị trong thôn. Bộ váy áo đầu tiên Mỷ may, mặc rất đẹp, đã thu hút nhiều người đến đặt may khăn, váy, áo dân tộc.
“Trang phục người Mông truyền thống phải dệt từ sợi lanh. Để dệt được một bộ trang phục như thế rất tốn thời gian. Thêm nữa, do thời tiết khắc nghiệt, lại thiếu đất, thiếu nước nên thời gian gần đây nhiều hộ gia đình trong thôn bản không còn trồng cây lanh nữa. Nghề dệt lanh cũng mai một dần. Hầu hết phụ nữ Mông đều sử dụng quần áo may từ vải mua sẵn. Theo phong tục của người Mông mình, mỗi phụ nữ 1 năm phải có 3-4 bộ váy mới để mặc đi chơi chợ, đi chơi tết. Cho nên nhu cầu may quần áo của họ rất cao” - Mỷ tâm sự.
Không có tiền mua sắm máy móc và vải, Mỷ ôm 2 con lợn xuống chợ phiên bán được 1,5 triệu đồng, số tiền vừa đủ để mua một cái máy khâu Trung Quốc. “Thời gian đầu, hàng may ra chưa bán được, mình phải đi khắp các chợ bày bán, từ Phố Cáo, Phố Bảng, Ma Lé (huyện Đồng Văn), rồi Sủng Máng, Sủng Trà (Mèo Vạc) cho đến chợ huyện Yên Minh. Cứ có chợ phiên ở đâu là mình mang hàng đến bán. Sau phiên chợ, mình dành thời gian để cắt may và tìm tòi học làm thêm những hoa văn, kiểu trang trí mà các chị em thích” - Mỷ cho biết.
Tạo nghề cho chị emThấy váy áo của Mỷ may đẹp, chất lượng tốt, nhiều người đến nhà Mỷ đặt may. Lượng khách cứ tăng dần, hai vợ chồng Mỷ cùng may vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Mỷ quyết định vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thêm 30 triệu cùng với 30 triệu tiết kiệm, mua 8 bộ máy khâu và thuê thêm 6 chị vào làm. Năm 2011, Mỷ cho tất cả các chị đi học lớp cắt may 3 tháng, tới nay, mỗi chị đã may được 15 - 20 cái áo/ngày, thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày.
Để làm được các hoa văn theo sở thích của các thiếu nữ người Mông, Mỷ đã cải tiến máy khâu, tháo chân vịt ra rồi chế lại để đạp được những đường zíc zắc rất đẹp. Hàng đẹp, chất lượng cao, thu hút được nhiều bạn hàng trong tỉnh, các tỉnh lân cận. Nhiều người từ Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng) cũng đặt hàng Mỷ may các bộ trang phục dân tộc với số lượng lớn. Riêng năm 2012, số tiền lãi từ may quần áo dân tộc mà gia đình Mỷ thu được là 300 triệu đồng.
Không dừng lại, thấy trong xã có nhiều chị em sang Trung Quốc làm việc rất nặng nhọc, lại gặp nhiều rủi ro, Mỷ quyết định mở lớp dạy may tại nhà cho chị em đến học và làm việc, mỗi lớp đào tạo được 5 – 10 người. “Hiện nay, một số chị mở được hiệu may riêng và có thu nhập khá. Còn chồng mình đang theo học tại Trường Cao đẳng Nông Lâm Hà Giang, để sau này vợ chồng mình sẽ lập một trang trại phát triển kinh tế gắn với nghề may trang phục dân tộc Mông” - Mỷ vui vẻ cho biết.
Nguyễn Lê (Nguyễn Lê )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.