Cảnh sát Colombia và Bộ Ngoại giao (BNG) Honduras đang mở cuộc điều tra hình sự. Cảnh sát Colombia nói họ đang xem xét khả năng nhiều ả điếm đã được mời dự cuộc tiệc, và cho biết các quan chức Honduras đã xác nhận có bữa tiệc bị mất tài sản này nhưng phía Honduras muốn được “xử lý nội bộ”.
Mất chức vì bao che
BNG Honduras vào thứ bảy qua cho biết đã cách chức Đại sứ Carlos Humberto Rodriguez Andino, sau khi ông ta nộp đơn từ chức. Ngoại trưởng Arturo Corrales sau khi nhận “bản nháp” báo cáo đã ra lệnh buộc Đại sứ Andino từ chức lập tức, để giữ quan hệ hữu nghị với Colombia và bảo vệ quyền lợi an ninh quốc gia.
Ông cũng cho biết một ủy ban điều tra đang xem xét khả năng ít nhất 2 ả điếm đã được đưa vào buổi tiệc tối 20.12.2012, sau đó bị mất ít nhất 2 máy laptop. Dự kiến ủy ban điều tra đặc biệt sẽ có báo cáo đầy đủ trong ngày 7.1.2013. Nghị sĩ Rodolfo Zelaya ở Quốc hội Honduras nói:“ Vụ tai tiếng của cơ quan ngoại giao là một vết bẩn cho uy tín quốc gia, khi công tác ngoại giao lại là một nhiệm vụ cao cả”.
Thông tin của BNG Honduras cho biết “chủ xị” là vệ sĩ của Đại sứ Andino. Khi “vỡ” chuyện, thay vì đuổi việc vệ sĩ Jorge Mendoza, Đại sứ Andino lại “bao che” cho anh ta, đưa anh ta về tư dinh của ông, đồng thời nỗ lực ngăn chặn để tai tiếng không bị tung tóe loe cho thiên hạ biết. Ông ta không chịu giải trình để làm sáng tỏ sự việc. Thông tin khác nêu Mendoza là tài xế của Andino.
Báo Guardian của Anh nêu Đại sứ Andino không dự bữa tiệc trác táng và bẩn thỉu này: trước đó, báo El Heraldo ở Honduras đưa tin Sứ quán ở Colombia bị trộm máy điện toán, điện thoại di động, giấy tờ bị ném tung tóe, và các ả điếm được “rước” về sứ quán còn… ị trong văn phòng của Đại sứ Andino và ị cả trên bàn làm việc của tùy viên quân sự (thông tin khác nêu bàn của tùy viên thương mại) do các ả bị “xù tiền công” bán thân và bị đuổi ra khỏi sứ quán sau khi đã “giúp các anh thỏa mãn”.
Tờ này cho biết vệ sĩ Mendoza của Đại sứ Andino là “chủ xị” bữa tiệc vốn bắt đầu khoảng 22 giờ và kéo dài đến 5 giờ hôm sau. Khi nhân viên đến làm việc, họ tìm thấy Mendoza ngủ li bì ở khu giặt quần áo của sứ quán, và một người Colombia ngủ giữa bãi nôn mửa và phân ở tầng hầm. Khi bị đánh thức, mặt Mendonza và người bạn đờ đẫn vì chưa hết say. Nhiều khả năng các ả điếm và bạn bè của Mendoza đã “hôi của” tài sản sứ quán.
|
S.S bảo vệ TT Obama |
Trác táng, lộ thông tin quốc gia?
Các nhân viên báo cảnh sát và Mendoza đã bị lấy lời khai về vụ rước gái điếm và bị mất trộm tài sản công. Tay vệ sĩ được cho phép lưu trú trong sứ quán tức trái với quy định, và được giao quản lý chùm chìa khóa mở các phòng trong tòa nhà. Mendoza “cảm thấy cô đơn” nên mời bạn bè người Colombia đến chơi, nhậu “tới bến” rồi lấy xe công rời sứ quán (ở một khu hạng sang tại ngoại ô Bogota) đi kiếm gái ở các “phố đèn đỏ” rồi đem nhiều “em” về quan hệ tình dục.
Nhật báo El Heraldo đã chạy tít ở trang nhất: “Tai tiếng ngoại giao: gái điếm và xỉn lết bánh ở Bogota”, nêu bữa tiệc và vụ trộm gây nguy hiểm cho an ninh Honduras trong nỗ lực phối hợp phòng chống các tổ chức tội phạm và buôn lậu ma túy, cũng như gây hậu quả cho hoạt động ngoại giao với Colombia. Tác giả bài báo viết: “Vụ lùm xùm này cho thấy bất kỳ tên trùm ma túy nào cũng có thể bỏ tiền thuê gái điếm rù quến bạn bè của đại sứ để được vào sứ quán trộm các thông tin về những cuộc điều tra chống lại chúng”. Colombia hiện là nguồn cung cấp cocaine chủ yếu cho thế giới, Honduras cũng là một điểm quá cảnh lớn trước khi ma túy được tuồn vào Mỹ.
“Ăn bánh không chịu trả tiền”
Hồi tháng 11- 2011, đặc vụ S.S Mỹ (chuyên bảo vệ các VIP) cũng bị cáo buộc nhậu say khướt rồi rước gái bán dâm” về khách sạn để “chơi” rồi không chịu trả tiền. Vụ này xảy ra khi họ đến Colombia chuẩn bị cho chuyến dự Hội nghị thượng đỉnh liên Mỹ (SOA) ở thành phố Cartagena của TT Barack Obama. Nhóm S.S đi tiền trạm ngụ tại khách sạn 5 sao Caribe cùng nhiều nhân viên Nhà Trắng và giới báo chí.
Một nhân viên khách sạn nói nhóm này đến khách sạn từ một tuần trước, và mô tả họ là những “bợm nhậu” trong thời gian lưu trú. Tối xảy ra tai tiếng (11-4-2012) họ nhậu rượu bia say mèm rồi “kiếm” được các “em” tại một quán bar-nhà thổ trá hình PleyClub. Sau khi thỏa thuận giá cả 180USD/em, họ kéo nhau về khách sạn “vui vẻ”.
Các ả bị quy định giao giấy tờ tùy thân tại quầy tiếp tân nếu “qua đêm” và phải ra về trước 7 giờ sáng, và khi một ả không chịu về, nhân viên khách sạn báo cảnh sát và phát hiện ả vẫn còn ở lại với một mật vụ S.S trong phòng, anh và ả đang cãi nhau vì anh toan “xù” 47USD “tiền công phục vụ cái sự sung sướng” của ả. Cuối cùng tay này vẫn phải trả tiền và cảnh sát địa phương “méc” Sứ quán Mỹ.
Có thông tin nhóm S.S giữ bản sao lịch trình hoạt động tại SOA của ông Obama trong phòng của họ, tức để lộ an ninh quốc gia, do các ả điếm có thể “chôm” được tài liệu mật ấy. Nhóm gồm 2 chỉ huy và 3 người thuộc nhóm tinh nhuệ “phản công”, tức lập tuyến phòng thủ đầu tiên nếu TT bị tấn công, ngăn chặn kẻ tấn công trong lúc tổng tư lệnh quân đội Obama được các “khỉ đột” kéo chạy thoát. Báo New York Times dẫn lời Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa (thuộc Hạ viện Mỹ) Peter King nói khi S.S “chơi bời có thể bị tống tiền hoặc bị moi tin tình báo, bị lợi dụng tiếp tay cho địch xâm phạm hàng rào an ninh, hoặc chí ít là xao nhãng nhiệm vụ bảo vệ TT”.
Ông Obama ra lệnh “điều tra rốt ráo” vụ việc và ông “sẽ rất giận” nếu đúng đội “khỉ đột” có nhiệm vụ bảo vệ ông lại ăn nhậu trác táng ngay tại khách sạn 5 sao Caribe. Ông đòi lãnh đạo S.S “xử lý nghiêm”, vì khi đi công tác nước ngoài, “chúng ta phải tuân thủ hành vi chuẩn mực nhất, không chỉ làm đẹp mặt chúng ta mà còn vì chúng ta đại diện nhân dân”.
Đó là vụ tai tiếng lớn nhất của S.S. Hơn 20 đặc vụ S.S và sĩ quan quân đội đã bị đuổi về nước, sau đó 9 đặc vụ bị sa thải để S.S khắc phục uy tín. S.S cũng ra những quy định mới về đạo đức cho đặc vụ: họ bị cấm rượu chè và đưa người nước ngoài về khách sạn khi làm nhiệm vụ.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.