Sẽ an tâm đầu tư cho nông nghiệp (?)

Thứ hai, ngày 19/11/2012 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm nay 19.11, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật Đất đai sửa đổi - một dự án có liên quan thiết thực đến hàng chục triệu người dân.
Bình luận 0

Xung quanh dự thảo luật này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Lê Thanh Khuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường).

Ông Lê Thanh Khuyến cho biết: Trong Dự thảo Luật Quốc hội thảo luận lần này có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là việc mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp; cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai với diện tích lớn hơn; bổ sung các quy định nhằm bảo vệ đất lúa.

img
Thu hoạch dưa trên cánh đồng lớn ở Thủ Thừa, Long An.

Thứ hai, từng bước tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất thông qua quy định về hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất... Thứ ba, tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng và lãng phí trong lĩnh vực đất đai.

Nhiều chuyên gia và ĐBQH cho rằng dự luật cần có những đột phá hơn nữa với đất nông nghiệp, ví dụ thời gian giao đất có thể là 99 năm, hạn mức cũng nên nới rộng hơn. Ý kiến của ông ra sao?

- Tôi chia sẻ với các chuyên gia, tuy nhiên khi đưa ra các quy định này cần phải nghiên cứu kỹ, tính toán đầy đủ các yếu tố về phát triển kinh tế và ổn định xã hội, phát triển bền vững. Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo luật quy định là 50 năm, khi hết hạn thì người sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước gia hạn nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Do vậy, việc quy định về thời hạn sử dụng đất như dự thảo luật sẽ giúp người dân yên tâm đầu tư cho nông nghiệp.

Nh­ưng với quy định hạn mức, hạn điền như dự luật có thể là cản trở cho quá trình tích tụ đất đai để nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn?

- Nước ta là nước nông nghiệp, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm 48,39% lao động xã hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dự báo đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm khoảng 30 - 35% lao động xã hội. Nếu xóa bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sẽ có một bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không có đất để sản xuất, đời sống không đảm bảo dẫn đến những hệ lụy về xã hội ở nông thôn. Do đó, dự thảo luật vẫn tiếp tục quy định hạn mức nhưng mở rộng hơn để bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất và để điều chỉnh quá trình tích tụ.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên hội trường. Do tính chất quan trọng và tầm ảnh hưởng rộng của luật này nên chương trình làm việc của Quốc hội sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp tới nhân dân và cử tri cả nước.

Theo ông, những thay đổi trong dự Luật Đất đai (sửa đổi) có thể làm giảm các vụ khiếu kiện về đất đai hay không?

- Việc khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, đất đai có nguồn gốc rất phức tạp; chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ.

Thứ hai, quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai chưa đủ rõ dẫn đến công tác xét xử, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai còn nhiều hạn chế; chế tài xử lý chưa đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Chính sách về bồi thường hỗ trợ tái định cư còn bất cập chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư...

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung các quy định nhằm giải quyết những tồn tại bất cập nêu trên, nhưng để giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ngoài việc hoàn thiện chính sách, pháp luật đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm trong thực thi chính sách của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem