TikTok Shop lại tăng phí giao dịch, người bán "khóc ròng"
TikTok Shop lại tăng phí giao dịch, người bán "khóc ròng"
Khải Phạm
Thứ ba, ngày 16/07/2024 08:09 AM (GMT+7)
Dù mới ra mắt Việt Nam hơn 2 năm, nhưng TikTok Shop đã nhiều lần điều chỉnh tăng phí sàn (phí giao dịch). Điều này khiến nhiều nhà cung cấp hàng hóa trên TikTok Shop phải "cân não" trong bài toán thu và chi.
TikTok Shop tăng phí giao dịch, cao gần bằng Shopee
Theo công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI, tổng giá trị giao dịch trên sàn (GMV) thương mại điện tử (TMĐT) gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt 79,12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có tổng cộng 768,44 triệu sản phẩm đã được bán ra với trên 510 nghìn sản phẩm bán lẻ trực tuyến.
Được biết, đây là những con số bán thật trên các sàn TMĐT khi các trường hợp đơn ảo, hoàn/huỷ, quà tặng và shop quốc tế đã bị loại bỏ.
Trong số này, Shopee vẫn là sàn TMĐT có thị phần cao nhất đến 67,9%, TikTok Shop đứng thứ 2 với 23,2% tính đến hết quý I/2024. Thị phần của TikTok Shop đã tăng hơn 7% so với 9 tháng năm 2023 khi đạt 16%.
TikTok Shop có tốc độ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian ngắn ra mắt thị trường vào năm 2022, khiến các đối thủ như Lazada và Tiki bị tụt lại phía sau. Đáng chú ý, cùng với sự "phình to" về thị phần, tốc độ tăng phí sàn của TikTok Shop cũng "nhanh không kém".
Cụ thể, tháng 4/2022, TikTok Shop ra mắt đã miễn phí sàn cho các nhà bán lẻ và chỉ thu 1% sau đó. Đến tháng 10/2022, sàn TMĐT này đã điều chỉnh tăng mức phí sàn từ 1 lên 2,5%, tròn 1 năm xuất hiện ngày 14/4/2023 đã tăng lên 3% và 4% vào tháng 9/2023.
Chưa hết, kể từ ngày 17/7/2024, TikTok Shop Việt Nam sẽ áp dụng mức phí giao dịch mới là 5% tổng số tiền thanh toán bởi khách hàng (bao gồm tất cả phí cộng thêm và sau giảm trừ khuyến mãi) cho tất cả các đơn hàng thành công.
Ngoài phí giao dịch, các nhà bán hàng trên TikTok Shop cũng phải chịu các khoản phí khác từ sàn thương mại điện tử này như: phí hoa hồng là 2%, phí Extra Freeship (nếu tham gia) là 6% và thuế đóng thu nhập cho Nhà nước là 1,5%.
Như vậy, tổng chi phí cố định mà các nhà bán hàng phải trả hiện tại trên nền tảng này có thể lên tới 14,5%, trong khi đó Shopee hiện đang áp dụng cao nhất 17,5%. Tuy nhiên, nếu so về "tuổi đời", tính đến nay Shopee đã kinh doanh ở Việt Nam được 8 năm (từ 2016), trong khi đó TikTok Shop mới chính thức gia nhập thị trường 2 năm 3 tháng.
Dẫu biết không có "cuộc chơi" nào miễn phí, nhưng chính sách phí của TikTok Shop thay đổi nhanh và mức phí tăng cao trong thời gian ngắn đang khiến cho các nhà bán hàng quan ngại.
"Tôi bán trên TikTok Shop cũng được 1 năm. Thời gian đầu bán tốt, nhưng giờ cạnh tranh nhiều quá. Không những vậy, phí sàn bây giờ tăng liên tục như vậy nên sản phẩm bán ra không còn có doanh thu ổn định như trước", chị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) bán giày dép trên TikTok Shop cho biết.
Cũng theo một số nhà bán hàng trên TikTok Shop, khoản phí hiện nay của TikTok Shop cũng là một "gánh nặng" đối với họ. Điều này khiến cho các nhà bán hàng phải "cân não" thiệt hơn trong hoạt động bán hàng trên các sàn TMĐT như TikTok Shop.
"Nếu tăng giá sản phẩm để bù đắp phần nào chi phí cho nhà bán hàng sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Từ đó, sẽ làm giảm nhu cầu mua hàng. Ngược lại, nếu không tăng giá, lợi nhuận thu về của các cửa hàng càng ngày càng "co hẹp". Điều này không một nhà cung cấp hàng hóa nào mong muốn. Chúng tôi mong muốn một chính sách phí phù hợp và duy trì ổn định trong thời gian đủ dài để chính sách bán hàng trên sàn tới người tiêu dùng không bị xáo trộn", chị Huyền bày tỏ.
Trước đó, đại diện Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã cho biết, việc tăng phí thanh toán trên các sàn hiện nay, nhà nước không quy định về niêm yết giá. Đồng thời, đây là mối quan hệ dân sự giữa người mua và người bán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.