|
Dạy Toán bằng tiếng Anh cho học sinh lớp 10 trường THPT Chuyên KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Q.H. |
Áp lực “không được thất bại”
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) thí điểm dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh cách đây ba năm. Đây là trường đầu tiên thực hiện mô hình này. Học sinh vẫn học chương trình bình thường, đồng thời học chương trình tiếng Anh tăng cường. Trường có 8 lớp tăng cường tiếng Anh với 250 học sinh.
Để chuẩn bị thí điểm, năm 2002, trường quy định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Nhờ đó, thí sinh trúng tuyển vào trường thường có điểm ngoại ngữ trên 8/10. Đây được xem là lợi thế số 1 của trường Lê Hồng Phong so với các trường thí điểm khác.
Không có lợi thế trên, trình độ ngoại ngữ của học sinh các trường THPT Chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội ban đầu rất hạn chế. “Trường có hai lớp thí điểm dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Nhưng mỗi lớp chỉ có vài học sinh có trình độ tiếng Anh tốt”, cô Lưu Thị Lan Hương, giáo viên môn Sinh, trường THPT Chuyên KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội nhận xét.
Tuy nhiên, ngay cả khi có nguồn tuyển thuận lợi như trường Lê Hồng Phong, nhà trường cũng xác định khó thực hiện thành công chương trình. Ban đầu trường dự kiến tổ chức học 8 tiết tiếng Anh tăng cường/ tuần nhưng nay phải rút xuống 4 tiết/ tuần (2 tiết Toán, 1 tiết Lý, 1 tiết Hóa).
Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ bồi dưỡng tiếng Anh cho học sinh; mới chỉ có lớp chuyên đề dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Theo thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên KHTN – ĐH Quốc gia Hà Nội, khó khăn nhất là áp lực “không được phép thất bại”. “Bất kỳ công việc nào thất bại ngay từ đầu thì rất tai hại và rất khó làm lại được”, thầy Lương nói.
Học tiếng Anh, thi tiếng Việt?
Hào hứng với chương trình thí điểm, nhưng một số học sinh cho rằng, tài liệu giảng dạy sơ sài. “Dĩ nhiên có thể tìm tài liệu trên website nhưng không phải ai cũng có thể truy cập Intrenet, hơn nữa mất nhiều thời gian tìm kiếm”, một học sinh nói.
Trần Hương Ly, lớp 10A2 hệ chất lượng cao trường THPT Chuyên KHTN - ĐH Quốc gia cho biết, tiết học chưa tạo được môi trường Anh ngữ. Nhiều học sinh không thể nghe giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh nên nhiều khi thầy cô phải giảng bằng tiếng Việt. Do vậy, nhà trường nên giúp học sinh khả năng nghe nói và tích luỹ từ vựng tiếng Anh chuyên ngành kỹ càng hơn.
Thi cử cũng ảnh hướng tới động lực học tiếng Anh chuyên ngành. “Các kỳ thi quốc gia như thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia, thi tuyển sinh ĐH - CĐ... bằng tiếng Việt. Học sinh chỉ học bằng tiếng Anh nhưng phải thi bằng tiếng Việt, điều này liệu có thiệt thòi?”, cô Quách Phạm Quỳnh Trang, giáo viên Hóa, trường THPT Chuyên, ĐH Sư phạm Hà Nội đặt vấn đề.
Tại hội thảo mới đây của Bộ GD&ĐT về giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, thầy Trần Đức Huyên, Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) đề xuất: Cần có một cơ quan độc lập đánh giá chất lượng giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.
Một giáo viên trường THPT Chuyên KHTN – ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tổ chức một kỳ thi lấy chứng chỉ cho học sinh học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh song song với kỳ thi tốt nghiệp THPT thông thường. Chứng chỉ có giá trị, giúp học sinh không phải quá lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.