Sẽ đào tạo, cấp Giấy phép lái xe số tự động

T.Bình - T.Duy (báo Giao thông) Thứ năm, ngày 14/05/2015 10:10 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến đề xuất đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1 cho người điều khiển xe số tự động để đảm bảo ATGT, ngăn chặn “xe điên” trên đường.
Bình luận 0
Lỗ hổng trong đào tạo

Đa phần các học viên sau khi có GPLX mới bắt đầu làm quen với xe số tự động hoặc rất nhiều trường hợp mua xe số tự động rồi sau đó mới đi học thi lấy bằng để hợp thức hóa việc điều khiển xe. Kết quả là chạy xe số sàn chưa thành thục, lại chuyển qua chạy số tự động, chân tay lóng ngóng, đạp nhầm chân phanh thành chân ga. Đây là bất cập lớn trong công tác đào tạo lái xe tại Việt Nam và là một trong những lý do gây ra tình trạng “xe điên” trên đường.

Bà Trịnh Minh Hiền, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, đây là lỗ hổng trong đào tạo lái xe của chúng ta hiện nay. Thông tư 46 năm 2012, Bộ GTVT đã bổ sung thêm quy định các trung tâm đào tạo lái xe phải bố trí xe số tự động phục vụ nhu cầu của các học viên, chẳng hạn với hạng đào tạo bằng B1, B2 phải có 10 giờ học lái xe số tự động. “Tuy nhiên, do nội dung này chỉ được coi là tự nguyện và không phải thi sát hạch nên hầu hết các trung tâm đều không đưa vào chương trình đào tạo”, bà Hiền nói và cho biết, ở các nước phát triển như: Australia, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia... và gần đây nhất là Myanmar họ đã đào tạo và có GPLX riêng cho xe tự động.

img
Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX là một trong bốn đề án lớn Tổng cục ĐBVN thực hiện trong năm 2013


 

Cùng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn, điều tra, xử lý TNGT (Cục CSGT) cho biết, cần xây dựng chương trình đào tạo lái xe số tự động. Việc làm này sẽ góp phần giảm thiểu TNGT, hạn chế những vụ “xe điên” trên đường.

Hơn nữa, theo các chuyên gia lái xe an toàn, tuy lái xe số tự động dễ hơn so với lái xe số sàn nhưng để lái xe số tự động đúng cách, an toàn và tiết kiệm nhiên liệu rất cần học tập kỹ lưỡng. Nếu lái xe số tự động đúng cách còn có thể giảm được 30% số nhiên liệu tiêu hao không cần thiết, giảm được lãng phí và ảnh hưởng đến khí thải ra môi trường.

Cần đào tạo, cấp GPLX số tự động

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp hôm qua (13/5), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, giờ chủ yếu là xe số tự động nhưng khi đào tạo sát hạch cấp GPLX lại chỉ bằng xe số sàn. “Như thế có hợp lý không? Thực tế có rất nhiều người có bằng lái xe rồi nhưng vẫn không lái được, vậy quy định về số kilômét lái xe trên đường như thế nào”, Bộ trưởng đặt câu hỏi và gợi ý “có sửa được chương trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX không?”.

Về vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt nói: Tiến bộ KHCN giúp giảm thiểu thao tác để người đi an toàn hơn. Có nhu cầu về xe tự động mà sao không đào tạo xe tự động. Nếu anh kinh doanh, anh có nhu cầu đi số sàn cứ việc thi cấp bằng xe số sàn. “Việc đào tạo và thi số tự động là rất cần thiết”, ông Việt nhấn mạnh.

Chỉ đạo vấn đề này, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu các quy định cả trong nước và quốc tế, đề xuất việc đào tạo sát hạch theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với thực tiễn. “Công nghệ phát triển, phương tiện hiện đại hơn mà mình cứ duy trì cái cũ là không được. Cần nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo theo hướng nếu anh đăng ký đào tạo, sát hạch xe số tự động, tôi cấp GPLX số tự động. Anh muốn học và thi xe sàn, tôi cấp bằng tương ứng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thí điểm cho mô tô phân khối lớn chạy trên cao tốc

Liên quan đến hoạt động của xe mô tô phân khối lớn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, chúng ta cho nhập về, tổ chức thi sát hạch cấp GPLX mô tô phân khối lớn nhưng lại không cho chạy thì cho thi, cho nhập làm gì. Đường cao tốc chỉ quá tải vào ngày lễ, bình thường rất vắng, cớ gì không cho xe đi. Tại sao nước ngoài cho đi mà mình không cho đi. Tất nhiên không phải bất cứ cái gì nước ngoài làm thì mình cũng làm theo. Nhưng những gì hợp lý thì phải làm. Nếu Luật chưa cho phép thì có thể xin Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm.

“Trước mắt, đề xuất thí điểm cho xe mô tô từ 175 phân khối trở lên được chạy vào ba tuyến cao tốc gồm Hà Nội - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương. Sau thí điểm có tổng kết đánh giá, nếu hợp lý sẽ đề xuất sửa luật”, Bộ trưởng nói.

                                                                                                                    T.B
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem