Như Dân Việt thông tin, ngày 7.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp khẩn với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Giải pháp nào khả thi để khắc phục tình trạng này? Phóng viên Dân Việt trao đổi với TS Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Ủy ban Sông Mekong Việt Nam.
Tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về trong mùa lũ năm 2016 rất ít, nên không đủ để đẩy mặn. Ông có thể cho biết, vì sao xảy ra hiện tượng này?
- Nhiều chuyên gia đã đánh giá đây là thời kỳ hạn hán nhất trong lịch sử 100 năm qua của khu vực ĐBSCL. Các chuyên gia của Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cũng thu thập số liệu và phân tích nguồn nước từ bên ngoài, từ đó nhận định lượng mưa của ĐBSCL trong năm nay rất thấp, thậm chí ở mức lịch sử.
Nỗi buồn của một nông dân ở Bến Tre vì ruộng lúa thiệt hại do hạn, mặn. Ảnh: Huuỳnh Xây
Việc họ xả nước ra để phục vụ riêng cho chúng ta là điều rất khó khăn. Trước mắt, tôi cho rằng với nguồn nước hiện có, chúng ta phải có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý”.
TS Lê Đức Trung
|
Trong tháng 2, khu vực này hầu như không có mưa nên ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy sông Mekong trên dòng chính và dòng chảy vào Việt Nam. Mùa kiệt của ĐBSCL thường xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 và dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ngày càng nguy cấp.
Theo tôi, nguyên nhân chính của thực trạng này, ngoài một số công trình thủy điện trên dòng chính phía thượng lưu của Trung Quốc tích nước, hiện Thái Lan cũng có một số công trình chuyển nước trong khu vực khiến hạn hán ở hạ lưu sông Mekong trầm trọng hơn.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng với các địa phương khu vực ĐBSCL ngày 7.3, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát có đưa ra kiến nghị, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam khẩn trương làm việc với các nước thượng nguồn sông Mekong để bổ sung nước cho vùng ĐBSCL. Vậy lúc nào ủy ban sẽ tiến hành làm việc với các nước bạn?
- Việc gặp gỡ một lúc 4 nước thượng nguồn sông Mekong (Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar) là rất khó khăn, nhất là Trung Quốc lại càng khó. Dự kiến, từ ngày 15 đến 17.3 tới, sẽ có phiên họp lần thứ 43 Ủy ban Liên hợp Ủy hội Sông Mekong quốc tế. Tại phiên họp này, chúng tôi sẽ làm việc với các nước trong lưu vực, đặc biệt là các nước thượng nguồn để có giải pháp điều tiết nước cho vùng ĐBSCL.
Theo nhận định của ông, liệu các nước thượng nguồn sông Mekong có chấp thuận điều tiết nước để bổ sung cho ĐBSCL?
- Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục các nước thượng nguồn theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng. Hạn hán lần này là hạn toàn khu vực, nước nào cũng bị hạn cả nên họ cũng phải cân đối nguồn nước. Việc họ xả nước ra để phục vụ riêng cho chúng ta là điều rất khó khăn. Trước mắt, tôi cho rằng với nguồn nước hiện có, chúng ta phải có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý. Còn về phía Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, chúng tôi sẽ trao đổi với họ để chia sẻ thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho vùng ĐBSCL.
Trong trường hợp xấu nhất là các nước không đồng ý điều tiết nước cho ĐBSCL, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam sẽ có đề xuất giải pháp gì để bổ sung nguồn nước cho khu vực này?
- Trong không khí hợp tác như thế, thì các nước họ sẽ không nói không đồng ý, có thể họ sẽ trả lời khéo léo rằng họ sẽ ghi nhận, sẽ cố gắng, tuy nhiên họ có hành động gì không thì lại là câu chuyện khác, và chúng ta sẽ liên tục thúc đẩy để đưa ra những kết quả tích cực. Trong thời điểm này chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp, có giải pháp nội bộ trong nước, có giải pháp điều tiết nguồn nước từ bên ngoài.
Điều quan trọng nhất là các giải pháp chủ động trong nước trước, đó là các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, triển khai các biện pháp chủ động phòng chống mặn xâm nhập sâu và kéo dài; áp dụng các biện pháp kỹ thuật về thủy lợi và canh tác lúa để hạn chế tác hại do nhiễm mặn; hướng dẫn nông dân chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước tưới; tổ chức giám sát, dự báo xâm nhập mặn đến từng cửa lấy nước để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống.
Còn các giải pháp điều tiết nước bên ngoài từ các nước thượng nguồn sông Mekong nếu có được thì rất là tốt, tuy nhiên chúng ta không thể ngồi chờ điều này xảy ra được mà phải đồng bộ các giải pháp cả trong và ngoài.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.